61 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông

Đời sống - Ngày đăng : 15:34, 03/01/2013

(HNMO) - Sáng 3-1, Phó Thủ tướng Chính phủ-Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2012.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng đánh giá: Nhiều giải pháp sáng tạo, nhiều mô hình hiệu quả được các bộ ngành, địa phương thực hiện trong Năm ATGT 2012 đã góp phần quan trọng làm giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông (TNGT) và cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) tại các đô thị.

Năm 2012, cả nước có 40 tỉnh, TP giảm trên 10% số người chết vì TNGT; 10 tỉnh, TP có số người chết vì TNGT giảm từ 5 đến dưới 10% và 11 tỉnh, TP có số người chết vì TNGT giảm từ 1 đến dưới 5%. Bắc Kạn và Đồng Nai là 2 địa phương gia tăng số người chết. Ảnh minh họa


Bộ trưởng Bộ GTVT-Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết: Năm 2012, cả nước có 40 tỉnh, TP giảm trên 10% số người chết vì TNGT; 10 tỉnh, TP có số người chết vì TNGT giảm từ 5 đến dưới 10% và 11 tỉnh, TP có số người chết vì TNGT giảm từ 1 đến dưới 5%. Chỉ có Bắc Kạn và Đồng Nai là địa phương gia tăng số người chết. Trong năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành về trật tự ATGT đã có nhiều đổi mới và quyết liệt hơn. Một số địa phương đã gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Sơn La… Các tỉnh, TP đã ban hành quy định nghiêm cấm CBCNVC uống rượu, bia trong giờ làm việc và buổi trưa các ngày làm việc như Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bắc Giang…

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT với hàng loạt giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đó là việc chấn chỉnh việc trông, giữ xem, thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện tại 268 tuyến phố không đủ điều kiện; phân luồng và tổ chức lại giao thông; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, trong đó nổi bật là hoàn thành và đưa vào khai thác 5 cầu vượt tại các nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc, bao gồm nút giao Thái Hà-Chùa Bộc, Thái Hà-Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Lương-Láng, Nguyễn Chí Thanh-Láng và nút Nam Hồng giao với đường Mai Dịch-Nội Bài; triển khai các tổ công tác đặc biệt 141 kịp thời kiểm tra, trấn áp các trường hợp đi ô tô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ có dấu hiệu phạm tội. Mô hình này đang được nhân rộng tại nhiều tỉnh, TP… Qua đó, số điểm UTGT trên địa bàn Hà Nội đã giảm từ 124 điểm xuống còn 67 điểm, tương đương 46%...

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể: Một số văn bản quy phạm pháp quy chưa được các bộ trình Chính phủ hoặc ban hành chậm so với thời hạn quy định như: Quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sản xuất lưu thông, buôn bán các loại mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng; quy định xử phạt qua tài khoản ngân hàng; xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa giao thông…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chủ đề của năm ATGT 2013 đã được Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia xác định là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Các mục tiêu chủ yếu của năm 2013 là giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT; tiếp tục cải thiện tình trạng UTGT tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh… Để thực hiện được mục tiêu này, các bộ ngành, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm, thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm trấn áp tội phạm. Chính phủ cũng giao các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy:

Bộ Công an hoàn thiện quy định xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính sớm đưa ra hình thức xử phạt thông qua tài khoản ngân hàng; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xây dựng xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó lưu ý phần trích lại nhằm cải thiện đời sống cho chính lực lượng chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm…

Tuấn Lương