Mở đầu một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 08/01/2013

(HNM) - Hôm nay 8-1, Hội nghị toàn quốc triển khai việc lấy ý kiến của nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 được tổ chức tại Hà Nội.

Lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước, liên quan không chỉ với mọi công dân Việt Nam mà còn với mọi người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Thắng lợi của cuộc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 sẽ một lần nữa, khẳng định sự lựa chọn chế độ chính trị của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 80 năm qua đồng thời khẳng định con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ghi trong Cương lĩnh 1991 và 2011 của Đảng.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là kết quả của hai thập niên xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, hội nhập quốc tế của đất nước. Đó cũng là đòi hỏi cấp bách từ thực tế cuộc sống nhằm xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân; khẳng định hơn nữa quyền con người phù hợp với tập quán và luật pháp quốc tế, quyền công dân của nước CHXHCN Việt Nam đang không ngừng lớn mạnh và hội nhập thành công. Chỉ có thực lực như ngày hôm nay, chúng ta mới có thể ghi vào Hiến pháp những quyền lợi và nghĩa vụ mà mọi con người, mọi công dân Việt Nam có quyền được hưởng trên thực tế. Chỉ với trình độ dân chủ như hiện nay, chúng ta mới có thể ghi vào Hiến pháp những quyền và nghĩa vụ của mọi công dân, mọi tổ chức nhà nước như trong bản dự thảo hiến pháp sửa đổi. Cũng phải trên cơ sở xây dựng và củng cố chính quyền như hiện nay, trước những thuận lợi cũng như nguy cơ thách thức, chúng ta mới đề ra được rõ hơn, cụ thể hơn bản chất của chính quyền của dân, do dân, vì dân và vai trò, phương thức lãnh đạo Nhà nước của Đảng, quyền lợi và nghĩa vụ của đảng viên trong hệ thống chính trị và cuộc sống. Chính vì tính lịch sử cụ thể đó, mỗi lần sửa đổi, bổ sung hiến pháp là một lần tạo ra định hướng mới, động lực mới, công cụ mới để phát triển đất nước lên một trình độ cao hơn. Do vậy cũng rất cần sự tham gia của mọi công dân có trách nhiệm với đất nước, mọi người Việt Nam nặng lòng với dân tộc.

Mặt khác, cùng với kêu gọi, động viên người dân tích cực, tâm huyết với việc góp ý vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng cần kêu gọi và có những thể chế cụ thể, có hiệu quả để bảo đảm mọi ý kiến đều được tôn trọng, ghi chép, tổng hợp và phản ánh đầy đủ lên cơ quan chỉ đạo và tổ chức cao nhất của cuộc "trưng cầu dân ý" này, tránh ghi nhầm, bỏ sót, định kiến với những ý kiến chân thành, có ý thức xây dựng để cuộc góp ý này không chỉ hoàn thiện hơn bản dự thảo mà còn là đợt sinh hoạt chính trị cho mọi người, từ cán bộ đến người dân, từ trung ương tới cơ sở.

Vũ Duy Thông