Sẽ có nghị quyết để gỡ “nút thắt” trong GPMB dự án trọng điểm

Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 26/04/2013

(HNMO) – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp tập thể UBND TP tháng 4 bàn về dự thảo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết các biện pháp đảm bảo việc thu hồi đất, GPMB để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn TP.

Theo đó, trong dự thảo tờ trình do Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đề xuất, xác định các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn TP là những dự án có sử dụng đất, phải thu hồi đất phục vụ mục đích công cộng và cấp bách về thời gian, được cơ quan chủ quản đầu tư đề nghị xác định là dự án quan trọng, được UBND TP thống nhất trình HĐND TP quyết định.

Dự thảo đưa ra 4 biện pháp thực hiện quan trọng nhằm gỡ vướng, đẩy nhanh công tác thu hồi đất, GPMB. Một là, UBND TP ban hành Quyết định về chủ trương, biện pháp thu hồi đất, GPMB của các chủ sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư quan trọng như: xác định phạm vi, mốc giới thu hồi đất, GPMB, tiến độ. Quyết định của UBND TP là căn cứ pháp lý để UBND cấp huyện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về điều tra, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án… khắc phục các khó khăn vướng mắc trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân không hợp tác, không để kéo dài thời gian thực hiện. Việc thực hiện biện pháp này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất.



Biện pháp thứ hai là UBND TP xem xét, quyết định phân kỳ thu hồi đất, giao đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB đối với dự án đầu tư có quy mô thu hồi đất lớn (hoặc trải dài trên nhiều địa bàn) phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực thực hiện của chủ đầu tư. Thực tế, vừa qua viêc GPMB tại các dự án có quy mô thu hồi đất lớn hoặc dự án theo tuyến qua nhiều địa bàn quận, huyện, phường, xã khác nhau vấp phải quy định buộc phải hoàn tất xong việc điều tra, kiểm đếm, lập, thẩm định phê duyệt xong các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho toàn bộ các trường hợp thuộc phạm vi…; giao đất thực hiện dự án và chỉ được phê duyệt phương án khi đã có quyết định thu hồi đất, giao đất làm kéo dài thời gian, khó có thể đáp ứng được yêu cầu, tiến độ bàn giao mặt bằng; đồng thời kinh phí bố trí cho dự án thường phân kỳ theo kế hoạch năm.

Theo đó, để khắc phục hạn chế này, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, công tác thu hồi đất GPMB của dự án, khẩn trương đưa diện tích đất đã được GPMB, thu hồi vào khai thác hiệu quả, không chờ các diện tích chưa được GPMB: UBND TP quyết định phân kỳ thu hồi đất, giao đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Khi phân kỳ, chính sách áp dụng được thống nhất cho toàn dự án, giá bồi thường được thực hiện sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm thực hiện các dự án phân kỳ.

Biện pháp thứ ba là đối với trường hợp chủ sử đất đã được thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục GPMB, cho phép UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án, tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nhận bàn giao đất (không chờ quyết định thu hồi, giao đất của UBND TP). Trường hợp không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước.

Thực hiện biện pháp này sẽ rút ngắn thời gian tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất, đồng thời nhằm tập trung giải quyết vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh như hiện nay trong trường hợp người bị thu hồi đất không hợp tác với các cơ quan chức năng trong quá trình thu hồi đất, GPMB (không kê khai, không cung cấp hồ sơ, không tham gia ý kiến đối với dự thảo phương án…).

Biện pháp thứ tư được dự thảo nêu ra tăng cường cải cách hành chính trong thực hiện quy trình, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Biện pháp này chủ yếu là nhóm các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP như: quy định số ngày để điều tra, kiểm đếm của Tổ công tác; nếu dự án quy mô lớn, số người thu hồi đất lớn thì phân kỳ đầu tư thực hiện; Quy định cụ thể việc áp dụng biện pháp hành chính kiên quyết để “điều tra bắt buộc” khi gặp phải sự không hợp tác từ phía người bị thu hồi đất; Quy định việc UBND cấp huyện tăng cường cán bộ chuyên ngành, có năng lực giúp UBND cấp xã trong quá trình xác định nguồn gốc đất; Quy định rõ thời điểm UBND cấp huyện phải ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất và trình tự tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất… Đáng chú ý, trong biện pháp này cũng nêu rõ chủ đầu tư chịu trách nhiệm nộp đủ số tiền nhà, đất cho cơ quan quản lý quỹ nhà, đất tái định cư và làm đầy đủ các thủ tục để các hộ dân khi đến nơi mới được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.

Tại cuộc họp, ý kiến của các đại biểu đa phần đồng thuận với dự thảo tờ trình và cho rằng đó sẽ là “đòn bẩy” quan trọng gỡ nhanh những nút thắt trong công tác thu hồi đất, GPMB hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu cũng có một số ý kiến đóng góp như: các dự án quan trọng cấp quốc gia khi Chính phủ thông qua đã có biện pháp triển khai đi kèm, TP không cần nêu giải pháp thực hiện nữa. Bên cạnh đó lại có ý kiến đưa tất cả các dự án trọng điểm quốc gia và TP vào xem xét trong dự thảo… Ngoài ra, có đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào việc UBND quận, huyện chỉ thu hồi đất với hộ gia đình…

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhận định đây là Nghị quyết quan trọng để thực hiện khoản 2 Điều 15 Luật Thủ đô để trình Hội đồng nhân dân thông qua nhằm triển khai các biện pháp để thu hồi đất, GPMB các dự án trọng điểm kịp thời, đúng tiến độ. Theo đó, các biện pháp xác định lại các thủ tục trình tự, thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế chính sách phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa các lợi ích người có đất – doanh nghiệp – nhà nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch lưu ý dự thảo tờ trình phải xem xét rõ lại như thế nào là dự án công trình quan trọng, trường hợp nảy sinh dự án cấp bách phải được thường trực Hội đồng nhân dân thông qua. Chủ tịch cũng lưu ý việc cần rút gọn các thủ tục hành chính trong công tác GPMB; bổ sung các chế tài xử phạt. Ví như vừa qua có tình trạng người dân chây ì trong công tác GPMB từ năm này sang năm khác để được hưởng giá đền bù mới, trong khi đó người tích cực thực hiện lại chịu giá đền bù thấp. Theo Chủ tịch cần xử phạt người dân nếu chây ỳ, “ngâm” việc GPMB trên. Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng yêu cầu bổ sung giải pháp thứ năm là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động để nhân dân Thủ đô đồng thuận, ủng hộ công tác thu hồi đất, GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Cuối cùng, Chủ tịch giao Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh và các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Hội đồng nhân dân thông qua.

Lan Hương