Cải cách tiền lương: Đích đến còn xa (bài 1)

Đời sống - Ngày đăng : 05:56, 01/10/2013

Bài 1: Nghịch lý lương “đuổi” theo giá

LTS: Đã qua 6 lần điều chỉnh (kể từ năm 2008 trở lại đây), nhưng mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp hiện chỉ đáp ứng được 62-65% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ). Ngày 6-8-2013, Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) chính thức ra mắt, đánh dấu một bước chuyển từ cơ chế xác định lương tối thiểu hoàn toàn do Chính phủ dẫn dắt sang cơ chế ba bên: Chính phủ, người sử dụng lao động và NLĐ. Sự ra đời của tổ chức này liệu có gỡ được "nút thắt" trong lộ trình cải cách tiền lương để đạt đến đích như mong đợi?

Bài 1: Nghịch lý lương “đuổi” theo giá

20 năm qua, bài toán tiền lương vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng, nghịch lý lương chưa tăng, giá đã tăng trở nên quen thuộc. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, chúng ta chưa xây dựng được một chiến lược bền vững, vì thế việc tăng lương, về cơ bản, chỉ là phản ứng tình thế, đối phó bị động với lạm phát.

Lương tối thiểu thấp sẽ tác động đến không chỉ cuộc sống hiện tại mà cả tương lai của người lao động. Ảnh: Huy Hùng


Điệp khúc "lương không đủ sống"

Trước thông tin sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu và tăng lương trong năm 2014, công nhân, NLĐ đang làm việc ở các công ty, các khu công nghiệp (KCN) vừa mừng, vừa lo. Mừng vì lương tăng, tuy không nhiều, cũng thêm chút thu nhập cho gia đình; lo là chắc chắn nhiều mặt hàng sẽ "vin" vào đó để "đẩy" giá. Rút cuộc, cuộc sống của NLĐ vẫn không được cải thiện.

Anh Hoàng Bá Phong - một công nhân đang làm việc KCN Thăng Long (Đông Anh) chia sẻ, cả lương và tiền làm tăng ca hiện giờ của anh được hơn 3 triệu đồng/tháng, tới đây tăng thêm được chút nào hay chút ấy, chí ít cũng gần đủ mua một bình gas, hoặc đủ tiền đóng học thêm cho con… Còn đối với chị Phạm Thị Giang - nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp (DN) tư nhân ở Cầu Giấy thì thêm vài trăm nghìn giúp chị có thêm gần chục lít xăng hoặc gần chục suất cơm trưa bình dân. Tăng lương cũng là mong mỏi của gia đình anh Nguyễn Hữu Hùng, công nhân Công ty Panasonic (KCN Thăng Long), bởi suốt mấy tháng nay, tháng nào anh cũng phải vay nợ để đắp đổi qua ngày. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng, trước đây tằn tiện cũng đủ sống nhưng từ khi sinh đứa con thứ hai thì cứ thiếu trước hụt sau. Anh Hùng tính, riêng tiền nhà, điện nước, mỗi tháng đã ngót 1,5 triệu đồng, hằng tháng còn gửi về quê gần 2 triệu đồng để lo tiền ăn học cho cô con gái lớn; dành riêng một khoản để lo cho đứa con út chưa tròn một tuổi. "Tôi chỉ mong lương tối thiểu vùng tăng lên tới mức từ 3-3,2 triệu đồng, may ra gia đình tôi mới đủ sống tối thiểu" - anh Hùng chia sẻ.

Trái lại, chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long không mặn mà với việc tăng lương. Chị bày tỏ: "Tăng lương chỉ tạo thêm áp lực, được vài đồng nhưng ngay lập tức chủ nhà trọ sẽ tăng giá tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Các hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cũng đồng loạt tăng lên, tiền đâu để gửi về quê nuôi con". Chắc hẳn còn nhiều người có chung suy nghĩ như chị Hoài, lo lắng nhiều hơn khi lương tăng một thì giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng tới hai, ba.

Dự báo sẽ có ít nhất 9,4 triệu lao động đang đóng BHXH có thể trở thành một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu vì có mức lương quá thấp.


Mức điều chỉnh lạc hậu ngay trước khi công bố

Trong 20 năm qua, dù liên tục điều chỉnh nhưng mức tiền lương tối thiểu ở Việt Nam vẫn không phù hợp, thậm chí bị lạc hậu ngay trước khi công bố. Việc tăng lương về cơ bản vẫn là phản ứng tình thế để đối phó với lạm phát. Vì vậy, sau nhiều lần điều chỉnh lương, tình trạng lương "đuổi" theo giá vẫn chưa có hồi kết.

Việt Nam hiện có 4 mức lương tối thiểu, dao động từ 1,65-2,35 triệu đồng/tháng, cho 4 vùng khác nhau, tùy theo mức độ phát triển và mức sống ở đó. Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện mức lương tối thiểu chỉ bảo đảm đáp ứng 62-65% đời sống của NLĐ (tùy theo vùng), cuộc sống của NLĐ còn gặp quá nhiều khó khăn. Khảo sát tại các loại hình DN ở 10 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, mức sống tối thiểu của một lao động thuộc vùng 1 khoảng 3,7 triệu đồng/tháng (bao gồm nhu cầu lương thực, thực phẩm là 888 nghìn đồng/tháng; nhu cầu chỗ ở, đi lại, hưởng thụ văn hóa… khoảng 1,3 triệu đồng/tháng và nhu cầu nuôi 1 con là 1,55 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, mức lương tối thiểu tại vùng này hiện là 2 triệu đồng/tháng, chỉ đáp ứng được 53,2% mức sống tối thiểu. Nếu đem cách tính toán trên áp vào tiền lương tối thiểu chung (1,65 triệu đồng/tháng) thì chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu sống tối thiểu cho lao động vùng 1.

Đáng nói, kết quả của cuộc khảo sát vẫn là những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi" nhưng tái khẳng định, mức lương tối thiểu hiện nay còn thấp, không đủ cho NLĐ trang trải một mức sống tối thiểu. Mặc dù trên lý thuyết là phù hợp với kinh tế thị trường, nhưng thực tế là chưa bảo đảm được mục tiêu tái sản xuất sức lao động, chưa nói đến việc tích lũy. Nếu so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua và so với yêu cầu xem tiền lương là một khoản đầu tư để phát triển nguồn nhân lực thì tốc độ tăng lương như hiện nay rõ ràng là chưa hợp lý. Lương thấp kéo theo nhiều hệ lụy, khó thu hút hoặc giữ chân người tài, chưa tạo động lực cho cán bộ, công chức, NLĐ tận tâm, gắn bó với công việc, nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao và nhất là góp phần chống tiêu cực, tham nhũng. Mặt khác, vì lương không đủ, nên NLĐ bắt buộc phải làm thêm giờ để có thể nuôi sống gia đình, phải cắt giảm những chi tiêu đã được xem là tối thiểu. Lương tối thiểu thấp còn tác động đến không chỉ cuộc sống hiện tại mà cả tương lai của NLĐ. Và một dự báo đáng phải lo ngại khi sẽ có ít nhất 9,4 triệu lao động đang đóng BHXH có thể trở thành một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu.

Nguyên Hoa