Khác nhau hoàn toàn về bản chất

Chính trị - Ngày đăng : 08:10, 23/06/2004

Vào nửa cuối năm 1997, tại tỉnh Thái Bình có 264 trong tổng số 285 xã, phường, thị trấn đã xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, với 904 đoàn người kéo đến trụ sở làm việc của các cấp, các ngành, đòi xử lý cán bộ cơ sở có sai phạm. Tuy nhiên, do quá khích và do các phần tử xấu lôi kéo, nên đã xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật, gây rối an ninh trật tự, chống đối người thi hành công vụ, đánh lại cán bộ, rải tờ rơi...

Vào nửa cuối năm 1997, tại tỉnh Thái Bình có 264 trong tổng số 285 xã, phường, thị trấn đã xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, với 904 đoàn người kéo đến trụ sở làm việc của các cấp, các ngành, đòi xử lý cán bộ cơ sở có sai phạm. Tuy nhiên, do quá khích và do các phần tử xấu lôi kéo, nên đã xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật, gây rối an ninh trật tự, chống đối người thi hành công vụ, đánh lại cán bộ, rải tờ rơi...

Không như ở Thái Bình, nhất là về nguyên nhân ban đầu, từ năm 1987, tổ chức “Người Thượng” ở Mỹ do một số phần tử phản động cầm đầu đã liên tục chỉ đạo những phần tử tàn quân Fulro trong nước, ráo riết xây dựng, củng cố tổ chức, phát triển lực lượng, mở rộng ảnh hưởng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo quần chúng gây sức ép với chính quyền... Năm 2001 tại Gia Lai và mới đây, tại một số tỉnh ở Tây Nguyên, bà con nhẹ dạ, nghe theo sự xúi giục của bọn người xấu, tập hợp biểu tình, gây rối, đòi thành lập cái gọi là “nhà nước Đề Ga”, yêu cầu cán bộ cơ sở bàn giao chính quyền. Một số bà con dân tộc thiểu số còn trốn sang Campuchia, nhằm tạo ra “tỵ nạn chính trị”, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp. Rõ ràng, bọn người xấu đã thực hiện các hành vi ly khai, khủng bố tại khu vực Tây Nguyên của chúng ta.

Nguyên nhân của tình hình ở Thái Bình do chủ quan là chính. Trước hết, do một bộ phận cán bộ từ tỉnh đến cơ sở lề lối, tác phong làm việc quan liêu, cửa quyền, mất dân chủ nghiêm trọng. Trong khi đó lại yêu cầu nhân dân đóng góp các khoản kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật quá lớn so với thu nhập thực tế. Khi phát hiện dấu hiệu mâu thuẫn, các cấp, các ngành đã không nghiêm túc xem xét, giải quyết kịp thời, dứt điểm, công tác kiểm tra bị coi nhẹ trong một thời gian dài. Thậm chí một số tổ chức cơ sở Đảng mất đoàn kết âm ỉ, không tự giải quyết, lại “mượn” quần chúng để giải quyết. Thực chất các yếu kém, khuyết điểm của nhiều cơ sở đã có từ trước và kéo dài, nhưng vì bệnh thành tích, vì cấp ủy cấp trên quan liêu, nên đến khi quần chúng khiếu kiện thì mọi việc đã đến mức nghiêm trọng.

ở một số tỉnh Tây Nguyên, nguyên nhân chủ quan cũng là cơ bản, nhưng nguyên nhân khách quan là khá rõ. Đó là sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch nước ngoài, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, truyền bá tư tưởng ly khai, kích động chia rẽ người Kinh và người dân tộc thiểu số, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại cách mạng Việt Nam. Về chủ quan, cả thời gian dài, các cấp ủy Đảng, nhất là tổ chức cơ sở Đảng, đã buông lỏng việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều thôn, bản “trắng” đảng viên, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở chưa thỏa đáng, chưa quan tâm đúng mức công tác cán bộ của cơ sở. Một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, chỉ chăm lo quyền lợi cá nhân, sống xa dân. Bởi vậy, khi bọn xấu tuyên truyền, kích động thì không có cán bộ giải thích kịp thời để nhân dân nhận ra ý đồ chia rẽ, khi bọn xấu o ép, khống chế thì không có ai bảo vệ dân. Một số tổ chức cơ sở Đảng mất cảnh giác, mất sức chiến đấu nên khi phát hiện dấu hiệu các phần tử Fulro quay trở lại hoạt động cũng không có giải pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, hiệu quả.

Việc mất ổn định ở Thái Bình và một số tỉnh ở Tây Nguyên hoàn toàn khác nhau về bản chất. ở Thái Bình là do những yếu kém của nội bộ chúng ta dẫn đến mâu thuẫn. Còn ở Tây Nguyên, những yếu kém của nội bộ chúng ta chưa tới mức nảy sinh mâu thuẫn lớn, nhưng đã bị bọn xấu lợi dụng để thực hiện ý đồ ly khai, chia rẽ, chống phá cách mạng nước ta. Chính vì sự khác nhau về chất ấy, mà chúng ta đã có chủ trương và giải pháp ổn định tình hình phù hợp với từng nơi.

Ở Thái Bình tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân về đánh giá tình hình, nguyên nhân, các chủ trương và biện pháp giải quyết tình hình. Trên cơ sở thống nhất cao đó, các cấp, các ngành tích cực triển khai kiên quyết và hiệu quả cụ thể. Trong đó, việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giải quyết từng vụ việc, xử lý sai phạm, cũng như giải quyết dứt điểm các cơ sở yếu kém... có tác dụng rất lớn trong ổn định tình hình.

Ở Tây Nguyên, ngay lập tức các cấp, các ngành đã tăng cường lực lượng cho cơ sở, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao cảnh giác với âm mưu chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch. Đồng thời, tiến hành các biện pháp chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những thôn, bản đặc biệt khó khăn, tăng cường xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả, tạo điều kiện để bà con các dân tộc thiểu số lao động sản xuất, tự ổn định cuộc sống lâu dài của gia đình, thôn bản mình bằng chính sức lực của mình và ngay tại quê hương mình. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, trong đó chú trọng hệ thốngchính trị ở cơ sở là nhiệm vụ cấp thiết của các cấp ủy Đảng và đảng viên các tỉnh ở Tây Nguyên.

Thực hiện kiên quyết và hiệu quả các giải pháp đã đề ra, chúng ta đã ổn định được tình hình ở Thái Bình cũng như một số tỉnh của Tây Nguyên. Bài học rút ra từ các địa phương nói trên là vô cùng quý báu đối với các cấp, các ngành trên phạm vi toàn quốc. Tránh những khuyết điểm đã mắc, tích cực thực hiện thường xuyên các giải pháp xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nhất định chúng ta sẽ giữ vững sự ổn định trong mọi tình huống, tiếp tục phát triển, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

HNM

ANHTHU