Công bố 8 Luật và 1 Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua

Chính trị - Ngày đăng : 15:53, 12/12/2013

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố các văn bản luật và pháp lệnh vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Về những nội dung đổi mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2013, đó là Luật tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, tuy nhiên, đã bổ sung thêm nhiều điều của luật để quy định về các quyền của Nhà nước; về nghĩa vụ của Nhà nước; trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang báo cáo những nội dung quan trọng của Luật Đất đai năm 2013. Ảnh: VA


Trong Luật Đất đai năm 2013 quy định theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn và thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định chế tài mạnh để xử lý đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; bổ sung các quy định về các trường hợp Nhà nước trưng dụng đất, thẩm quyền, thời hạn, hiệu lực, hình thức của việc trưng dụng đất.

Luật cũng quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất; bồi thường khi thu hồi đối với từng loại đất và từng đối tượng cụ thể.

Luật Đất đai năm 2013 đã quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm, đất lâm nghiệp); cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai với diện tích lớn hơn (không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp).

Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014.

Luật Việc làm vừa được Quốc hội thông qua đã tập trung 5 nhóm vấn đề lớn, gồm: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật về việc làm quy định cụ thể mọi người lao động là công dân Việt Nam đủ từ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu việc làm.

Luật Việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

Về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) đã bổ sung một số nội dung mới như: phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh; nguyên tắc thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Một điểm mới quan trọng trong Luật (sửa đổi) là tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí, góp phần ngăn chặn lãng phí cũng như để xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra lãng phí.

Ngoài ra, những quy định mới về hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ sẽ là căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách khách quan và phát huy hiệu quả.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014.

Về nội dung cơ bản của Luật Tiếp công dân quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

Ngoài ra, Luật cũng quy định việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.

Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng, theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, đảm bảo chặt chẽ hơn, không lấy danh hiệu thi đua để làm căn cứ xét khen thưởng nhằm tránh việc tích lũy thành tích trong khen thưởng; đặc biệt xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể đối với các hình thức khen thưởng huân chương, bằng khen, giấy khen đối với các hình thức khen thưởng cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2014.

Ngoài các văn bản luật trên, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ ngày 01/7/2014; Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2014; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2014./.

Theo Mỹ Anh