”Đá ném ao bèo”?

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:43, 01/08/2014

(HNM) - Đã tròn một tháng thực hiện Kế hoạch 69/KH-UBATGTQG về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.


Trong kế hoạch tuyên truyền, có khẩu hiệu: Đội mũ không phải mũ bảo hiểm bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí rầm rộ đưa tin, từ ngày 1-7, đội mũ bảo hiểm rởm sẽ bị xử phạt. Thế nhưng, sau đó những người có trách nhiệm đồng loạt khẳng định, không có chuyện phạt người đội mũ không phải mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thay vào đó, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, tuyên truyền để mỗi người tự ý thức bảo vệ chính mình. Người dân thở phào nhẹ nhõm vì không rơi vào cảnh "quýt làm, cam chịu". Những ngày đầu thực hiện kế hoạch, theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, lực lượng chức năng đã liên tục kiểm tra, nhắc nhở người đội mũ không phải mũ bảo hiểm. Tiếc là dường như đến nay hiệu quả chiến dịch chưa được như mong muốn. Không khó để mua một chiếc mũ không đạt chuẩn được bán công khai ngay ven đường tại các đô thị lớn. Cũng không quá khó để phát hiện không ít người vẫn đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn tham gia giao thông.

Theo Nghị quyết 32/2007/NĐ-CP, ngày 29-6-2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, từ ngày 15-12-2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường phải đội mũ bảo hiểm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân tích cực hưởng ứng, hiệu quả thu được rất cao.

Ngay thời điểm đó, đã có những lo ngại về mũ bảo hiểm rởm, không đạt chuẩn, nhưng cho đến nay, dường như các cơ quan quản lý vẫn đang lúng túng. Người tham gia giao thông hoặc vô tình, hoặc cố ý vẫn "giao phó bộ não" cho những chiếc mũ kém chất lượng để rồi… "tiền mất, tật mang". Gần 7 năm trôi qua, cả cơ quan chức năng và người tham gia giao thông vẫn chấp nhận sống chung với "mũ bảo hiểm" không có chức năng… bảo hiểm. Theo Công văn số 1364/BC-TĐC ngày 24-7 của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về công tác kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm 6 tháng năm 2014, thì hầu hết các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đã chấp hành các quy định về quản lý chất lượng như: chứng nhận hợp quy, công bố ghi nhãn… Cơ quan này cũng công bố 10 mẫu mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Việc công bố danh sách những công ty, sản phẩm không đạt chất lượng là hết sức cần thiết để giải quyết tận gốc vấn đề. Vậy mà, không hiểu vì sao mũ bảo hiểm không có chức năng bảo hiểm vẫn tràn lan trên thị trường? Rõ ràng, để giải quyết triệt để vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến kinh doanh.

Bắt buộc đội mũ bảo hiểm là chủ trương đúng đắn, được nhân dân ủng hộ và tích cực thực hiện có thể chưa thu được hiệu quả tối đa vì sự vào cuộc chậm trễ, thiếu tích cực của một số cơ quan chức năng. Việc vận động, bắt buộc người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thực sự không đơn giản nhưng đã được thực hiện tốt, hiệu quả. Chẳng lẽ việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lại không thể? Chắc chắn có thể kiểm soát tốt nếu các cơ quan chức năng, chính quyền mỗi địa phương vào cuộc tích cực, đồng bộ với tâm thế kiên quyết không chấp nhận sống chung với sản phẩm kém chất lượng. Có vậy, mỗi kế hoạch, mỗi chương trình hành động mới thực sự hiệu quả thay vì chỉ như "đá ném ao bèo".

Nguyễn Đức