Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược

Chính trị - Ngày đăng : 15:01, 23/09/2014

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 - 1/10/2014), sáng 23/9, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học: “Đại tướng Lê Trọng Tấn, nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam”.

Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1/10/1914 tại xã Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Nội. Đại tướng tham gia cách mạng từ năm 1944, hoạt động tích cực và lần lượt nắm giữ nhiều trọng trách trong Quân đội. Tháng 8/1945, ông được cử làm Ủy viên phụ trách quân sự trong ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, tham gia chỉ đạo cướp chính quyền. Ông cũng là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 – Đại đoàn Chiến Thắng khi mới 36 tuổi. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang ở giai đoạn ác liệt, với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông được cử vào chiến trường miền Nam làm Phó Tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam.

Hội thảo khoa học “Đại tướng Lê Trọng Tấn, nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam". (Ảnh: HN)



Sau ngày đất nước thống nhất, với cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Giám đốc Học viện quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) rồi Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã tổ chức nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Trong suốt cuộc đời mình, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có nhiều cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo công tác tham mưu chiến lược, xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo khẳng định, Hội thảo nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và làm sáng tỏ thêm quá trình giác ngộ, học tập, tham gia hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn, một người đảng viên cộng sản kiên cường, nhất mực trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, với nhân dân. Đặc biệt, trên cương vị là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã có nhiều cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo công tác tham mưu, chiến lược, xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới. Đại tướng là một nhà lãnh đạo, chỉ huy tài năng, cương trực, quyết đoán “trí, dũng, nhân, chính, liêm, trung”, một trong những tướng lĩnh Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh.

Đồng thời, cuộc hội thảo này còn đánh giá và làm sáng tỏ hơn sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của đồng chí trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia. Qua đó để làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu, học tập những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các tham luận tham gia Hội thảo hầu hết của các tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử đã từng có thời gian làm việc với Đại tướng Lê Trọng Tấn, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội. Các tham luận tập trung phân tích quá trình tham gia hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn; sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975...; làm rõ vai trò và những cống hiến to lớn của Đại tướng Lê Trọng Tấn trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam; những cống hiến xuất sắc của Đại tướng cả về lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo công tác tham mưu chiến lược trên cương vị là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng làm rõ những phẩm chất của Đại tướng Lê Trọng Tấn - một nhà lãnh đạo, chỉ huy đức độ, mẫu mực, một trong những danh tướng Việt Nam tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh; những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn... Các đại biểu tham dự Hội thảo đều khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn của đồng chí Lê Trọng Tấn là một di sản tinh thần quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. Việc nghiên cứu, lưu giữ và học tập những di sản vô giá đó là một việc làm cần thiết, góp phần truyền thụ kinh nghiệm và bồi đắp truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Theo Hồng Ngọc