Hy vọng vượt qua bất đồng

Thế giới - Ngày đăng : 06:18, 24/09/2014

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu tại New York (Mỹ) trong ngày 23-9 (giờ Mỹ) với 120 nguyên thủ quốc gia cùng nhiều đại diện các tổ chức quốc tế, các tập đoàn toàn cầu… tham dự đã trở thành hội nghị lớn nhất trong lịch sử về biến đổi khí hậu (BĐKH).


Cuộc tập hợp toàn cầu về đối phó với BĐKH diễn ra trong bối cảnh liên tiếp những nghiên cứu về khoa học, môi trường và kinh tế học chỉ ra rằng, thế giới cần đầu tư càng sớm càng tốt cho cuộc chiến chống BĐKH; nếu chậm trễ thì chỉ trong 15 năm tới, thế giới sẽ phải đối mặt với thảm họa khôn lường. Theo "Dự án Carbon toàn cầu" công bố trước thềm hội nghị, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) đang tăng nhanh và chỉ hai thập kỷ tới sẽ vượt quá "hạn ngạch" được coi là an toàn để thế giới có thể đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nguy cơ về BĐKH đã khiến ai cũng nhận ra và tác động của nó ngày một rõ rệt tới từng quốc gia, từ nông thôn tới thành thị.

Do đó, một ngày trước khi lãnh đạo thế giới tề tựu tại New York để tham dự hội nghị, khoảng 600.000 người ở khắp nơi trên thế giới đã xuống đường tuần hành kêu gọi cộng đồng hành động cụ thể chống BĐKH. Đây được xem là sự kiện toàn cầu chống BĐKH lớn nhất trong lịch sử.

Ngày 22-9, khoảng 600.000 người đã tham gia chiến dịch tuần hành kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu trên khắp thế giới.



Thực tế, Hội nghị Copenhagen về BĐKH năm 2009 từng là sự kiện được thế giới kỳ vọng đưa ra giải pháp hữu hiệu để chống BĐKH - với sự tham gia của gần 100 nguyên thủ quốc gia - nhưng đã kết thúc trong thất vọng. Các quốc gia tham dự Hội nghị Copenhagen đều có quyền lợi riêng, nhưng tựu trung được chia thành hai nhóm, nhóm nước giàu với đại diện là Mỹ và nước nghèo, đang phát triển, đại diện là Trung Quốc. Tại Copenhagen, Trung Quốc và Mỹ đã không tìm được tiếng nói chung về kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2. Nguyên nhân sâu xa của mối bất đồng nằm ở nhu cầu của người dân trong mỗi nhóm. Ví dụ, người dân Mỹ quen tiêu xài với cuộc sống tiện nghi, tiêu thụ nhiều năng lượng, nên nếu nói "không" với hưởng thụ ngay là điều rất khó. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, mối quan tâm chính của người dân lại là phát triển kinh tế. Sự BĐKH nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng cho dù đã đến mức báo động - như ở Bắc Kinh hay New Delhi và Bangkok… - nhưng xem ra vẫn không bằng miếng cơm hằng ngày của dân chúng. Hai thái cực trên từ cuộc sống đã khiến cuộc gặp tại Copenhagen với không ít thiện chí nhưng đã thất bại khi không ai muốn nhận phần mà họ cho là lớn khi chia "chiếc bánh của sự thiệt thòi".

Thế nên, cuộc gặp LHQ đang diễn ra tại New York lại thêm một lần được kỳ vọng rằng các quốc gia sẽ vượt qua bất đồng và phê chuẩn được một thỏa thuận toàn cầu ứng phó với BĐKH trước cuối năm 2015. Vì vậy, hội nghị năm nay còn có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức tài chính và tổ chức xã hội nghề nghiệp với hy vọng sẽ đưa ra các cam kết nhằm giúp thế giới đạt được một hiệp định chống BĐKH mang tính ràng buộc pháp lý vào năm tới. Cuộc tập hợp New York sẽ hướng tới hai mục tiêu: Gắn kết động lực chính trị cho việc đạt được thỏa thuận mới về BĐKH tại Paris (Pháp) năm 2015 và thúc đẩy áp dụng biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 cũng như tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH.

Dẫu có lạc quan về hội nghị lần này nhưng không thể phủ nhận những thách thức trước mắt. Đó là cho đến nay Mỹ vẫn tiếp tục đứng ngoài cuộc trong các nỗ lực toàn cầu đối phó với tình trạng chống BĐKH. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew tuyên bố, không có chuyện Washington đánh đổi giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn với việc ngăn chặn tình trạng Trái đất ấm dần. Như vậy, mặc dù tuyên bố ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2, song không thể hy vọng Mỹ sớm dốc hầu bao hoặc đánh thuế - như một đòn bẩy - để hạn chế các nguồn tạo ra lượng khí thải lớn. Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cho biết, 73 nước và hơn 1.000 công ty hàng đầu thế giới đã tán thành cơ chế mua bán phát thải carbon, song Mỹ vẫn tiếp tục từ chối "can dự".

Với các bằng chứng khoa học, một sự thật không thể bác bỏ là sẽ không bao giờ có cuộc sống thật sự tốt đẹp, một nền kinh tế thật sự phát triển trong một bầu không khí ô nhiễm. Một ngôi nhà đẹp, một đường phố đẹp và thậm chí là cả một thành phố được xem là đẹp sẽ trở nên vô nghĩa nếu sự nghiệp bảo vệ môi trường sống bị lảng tránh. Hội nghị Thượng đỉnh LHQ - 2014 về BĐKH hy vọng sẽ làm nên điều khác biệt. Bởi chỉ con người mới có thể thay đổi quan niệm sống còn khí hậu sẽ vĩnh viễn "nói": không.

Thùy Dương