Cần xác định ai là danh nhân?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 25/10/2014

(HNM) - Theo Thông tư số 10 do Bộ VH-TT&DL soạn thảo, người thành lập DN khi đặt tên DN theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập DN.


Với trường hợp đặt tên riêng DN bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép. Cách đặt tên DN sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ cũng không được chấp nhận. Ngoài ra, sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, sử dụng tên vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc bao gồm từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội để đặt tên cho DN cũng nằm trong danh sách cấm… Điều này là nhằm tránh trường hợp đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc.

Có lẽ giới hạn của một văn bản không cho phép những người làm chính sách nói hết sự cần thiết phải ban hành thông tư nêu trên, lại thiếu những giải thích kịp thời, nên Thông tư số 10 đang là tâm điểm bàn cãi của dư luận. Một số ý kiến phản ánh, Thông tư số 10 của Bộ VH-TT&DL là quy định trên trời, bởi tên đường, tên phố, tên trường học, bệnh viện đặt tên danh nhân cả thì sao lại cấm DN đặt tên như vậy. Chưa kể, thông tư của Bộ VH-TT&DL cũng không nói rõ là chỉ áp dụng với tên danh nhân người Việt hay cả danh nhân người nước ngoài. Vì lẽ này, ngay khi thông tư trên chưa có hiệu lực thi hành đã vấp phải phản ứng của dư luận. Không ít ý kiến còn lo ngại, có thể những cái tên như "Sài Gòn" cũng không được phép dùng để đặt tên cho công ty vì vướng tên địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược, bị cấm sử dụng. Vậy hàng chục các công ty, đơn vị có tên là Sài Gòn sẽ phải đối mặt với việc đổi tên kéo theo biết bao hệ lụy và thời gian và tiền bạc.

Thực tế, chính những người làm trong ngành VH-TT&DL cũng chưa thể trả lời hết những câu hỏi đã đề
cập trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp khẳng định, xét ở nhiều góc độ, việc ban hành Thông tư số 10 là cần thiết và không sai. Việc đặt tên trùng với danh nhân sẽ trở thành nhạo báng tên tuổi danh nhân nếu DN làm ăn không tốt hoặc có vi phạm. Cân nhắc trong việc đặt tên cho DN, tránh phạm húy cũng cần được xem là sự trân trọng đối với lịch sử. Mặt khác, nhìn tổng thể, việc đặt tên của DN Việt Nam hiện nay chưa phản ánh được đặc thù sản xuất, kinh doanh của DN, vì vậy việc quy định là cần thiết.

Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình bài bản. Theo TS Lê Hồng Sơn, để DN hiểu đúng thông tư này, điều quan trọng nhất hiện nay là cần ban hành chính thức danh sách danh nhân Việt Nam từ cổ chí kim và cả những nhân vật phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ của đất nước. Vì thực tế, các DN hiện không có một danh sách tên danh nhân, nhân vật phản chính nghĩa để tham khảo. Thế nào là những địa danh trong thời kỳ bị xâm lược cũng cần phổ biến song song, sau đó mới có thể thực hiện thông tư này. Có như vậy mới tránh những cách hiểu khác nhau, dẫn đến trường hợp một cái tên có thể được chấp nhận ở chỗ này nhưng không được chấp nhận ở chỗ khác. Thiếu hướng dẫn, ngay cả ở cùng một địa phương nhưng cách hiểu của các cơ quan quản lý cũng có thể khác nhau dễ dẫn đến tình trạng cán bộ cấp phép theo cảm tính, làm hạn chế quyền tự do của DN, nhất là với đơn vị mới thành lập, Cũng theo TS Lê Hồng Sơn, ngày 25-11 tới Thông tư số 10/2014/TT- BVHTTDL "Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc" mới có hiệu lực. Theo quy định hiện hành, văn bản chỉ được áp dụng kể từ khi có hiệu lực, còn trong quá khứ bị vô hiệu. Vì vậy, các công ty, DN đã có tên trùng với địa danh, danh nhân không có nghĩa vụ phải thay đổi.

Hà Phong