Phát triển du lịch cộng đồng và bài học từ Lào Cai

Du lịch - Ngày đăng : 06:30, 08/11/2014

(HNM) - Du lịch cộng đồng (homestay) phát triển đã mang lại nhiều cơ hội cải thiện đời sống cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các cộng đồng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, homestay ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm phải khắc phục nếu muốn hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững.

Thiếu chiến lược phát triển

Nhận xét về tiềm năng du lịch cộng đồng của Việt Nam, bà Mary Mc Keon - Trưởng nhóm Tư vấn của dự án EU cho rằng: "Việt Nam là đất nước có nền văn hóa phong phú, được tạo dựng bởi 54 dân tộc khác nhau. Với nguồn tài nguyên này, Việt Nam có thể trở thành một nước hàng đầu thế giới về du lịch cộng đồng nếu quản lý tốt và có chiến lược phát triển một cách bền vững".

Mô hình du lịch cộng đồng ở Lào Cai đạt được những hiệu quả nhất định.



Hình thành và phát triển từ gần 10 năm trở lại đây, du lịch cộng đồng hiện có mặt ở hầu hết tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Dương Minh Bình - Tổng Giám đốc Công ty CBT - một chuyên gia về loại hình du lịch này thì du lịch cộng đồng ở Việt Nam có phát triển nhưng không thành công. Theo ông Dương Minh Bình, homestay của Việt Nam mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản và chưa đi vào thực chất. Đa phần mô hình do người dân tự đứng ra tổ chức nên hiệu quả chưa cao, dịch vụ đơn điệu, không thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành, nhiều nơi còn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Cùng quan điểm, bà Phạm Thanh Tâm - Trưởng phòng Du lịch nội địa của Vietrantour cho rằng: "Hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường là chính, còn việc tìm hiểu đời sống, văn hóa của người dân bản địa để cảm nhận cái hay, cái đẹp thì vẫn chưa đạt được". Homestay đang nở rộ ở nhiều nơi nhưng loại hình du lịch này chưa được quy hoạch. Người dân và chính quyền địa phương cũng chưa biết cách làm homestay đúng nghĩa. Vấn đề truyền thông cho du lịch cộng đồng hiện nay gần như không có và chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức không chuyên. Thế nên, không ít điểm lâm vào tình trạng ế ẩm. Điển hình là mô hình homestay tại Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai). Một số gia đình tại đây tham gia đón khách tìm hiểu cách làm vườn, trồng dâu, nuôi tằm... từ năm 2011, nhưng nay lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì hoạt động không hiệu quả.

Homestay Lào Cai - Mô hình cần nhân rộng

Theo chia sẻ của ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai, du lịch cộng đồng đã phổ biến ở Lào Cai từ lâu, song trước đây do chưa có chính sách hỗ trợ người dân được vay vốn ưu đãi hoặc khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng nên nhiều điểm khi không còn dự án thì mô hình cũng "tan". Trước thực trạng này, năm 2010, lãnh đạo Sở đã phối hợp cùng với một số trường đại học, cao đẳng đào tạo về du lịch, tổ chức phi chính phủ để nghiên cứu về du lịch cộng đồng, soạn thảo ra bộ giáo trình dạy nông dân làm du lịch cộng đồng. Qua nhiều lần thí điểm và sửa chữa, bộ giáo trình đã được hoàn thành và đưa vào giảng dạy từ tháng 11-2013.

Ông Ngô Trung Hà - giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, người trực tiếp hướng dẫn nông dân làm du lịch chia sẻ, khóa đào tạo hướng tới đối tượng là người dân tộc thiểu số nên việc giảng dạy chủ yếu được thực hiện trên cơ sở "cầm tay chỉ việc". Kéo dài 12 ngày, trong mỗi khóa học, các giảng viên sẽ dạy chi tiết từ cách vệ sinh, trang trí nhà cửa, đón khách, giao tiếp với khách và cả cách chế biến một số món ăn đơn giản du khách thường yêu cầu. "Ngoài ra, chương trình còn hướng dẫn người dân cách quản lý tiền thu được từ kinh doanh du lịch để có thể tái đầu tư. Trước đây, bà con cứ có tiền là cất đi hoặc chi tiêu mà không biết cuối tháng hạch toán thế nào và kinh doanh có lãi hay không? Khóa học này sẽ giúp người dân biết làm kinh tế một cách bền vững, lâu dài", ông Ngô Trung Hà cho biết.

Hiện có khoảng 300 người dân tham gia khóa học này và hiệu quả mang lại đã thấy rõ. Từ những mô hình du lịch cộng đồng thí điểm ban đầu với vài hộ dân, đến nay, Lào Cai có tới 12 điểm du lịch cộng đồng phát triển mạnh, đời sống người dân khá lên, doanh thu của nhiều hộ đạt 40 - 50 triệu đồng/ năm. Ông Trần Hữu Sơn cho biết, từ thành công của mô hình đào tạo này, Lào Cai đã chia sẻ bộ giáo trình với các tỉnh bạn như Bắc Kạn, Hà Giang và tiến tới phổ cập tại 8 tỉnh Tây Bắc nhằm hợp tác cùng phát triển du lịch cộng đồng cho cả vùng. Ông cũng cho biết thêm, năm 2013, khách tham quan theo hình thức du lịch cộng đồng tại Lào Cai đạt 145.752 lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 29 tỷ đồng. Điều này cho thấy du lịch Lào Cai đang đi đúng hướng.

Lâm Vũ