Vẫn nhức nhối chuyện “bôi trơn”, “tham nhũng vặt”!

Xã hội - Ngày đăng : 05:56, 20/04/2015

(HNM) - Phía sau những chỉ số về Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 vừa được công bố tuần qua là hàng loạt vấn đề liên quan đến việc kiểm soát tham nhũng. "Tham nhũng vặt" vẫn tiếp tục gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội...

Không thể phủ nhận những nỗ lực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian gần đây, nhưng thực tế tham nhũng vẫn là vấn đề rất nóng. Tham nhũng làm méo mó các quan hệ xã hội, kéo theo sự trì trệ của bộ máy hành chính công, khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam không còn là "lực hấp dẫn" với các nhà đầu tư nước ngoài.

1. Ngày 14-4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã công bố hàng loạt số liệu liên quan đến chỉ số về Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2014. Một kết quả khảo sát dựa trên thông tin thu thập từ 3.552 người được chọn ngẫu nhiên, đại diện các nhóm nhân khẩu trên cả nước đã làm "nóng" dư luận dù đều là những vấn đề không mới. Theo đó, có khoảng 12% người được hỏi cho biết phải hối lộ ở bệnh viện; 30% cho biết phải hối lộ khi con học tiểu học; 26% cho biết phải hối lộ khi xin cấp phép xây dựng... Và điều đáng nói là gần 50% số người được hỏi cho rằng phải hối lộ mới có được việc làm trong khu vực hành chính công... Những con số này nói lên điều gì?

Trước hết, căn bệnh "tham nhũng vặt" chưa hề thuyên giảm. Nhưng đáng nói hơn là tình trạng "chạy công chức" và rộng hơn là "chạy chức", "chạy quyền" (từ lâu được nhiều người đề cập trên nhiều diễn đàn như một vấn nạn nhức nhối trong xã hội) đã không còn là câu chuyện cảm tính để rồi kết thúc bằng câu hỏi "chứng cứ đâu?". Những thống kê qua một cuộc khảo sát nghiêm túc đã chỉ ra rằng: Nhiều người đã vào "cửa công" qua con đường hối lộ. Từ đây, có thể đặt câu hỏi: Với những công chức được lựa chọn vì tiền như vậy, liệu các nỗ lực cải cách hành chính có thể mang đến thành công? Và ở khía cạnh khác đây là một nguyên nhân dẫn đến câu chuyện "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" và tình trạng yếu kém của nền hành chính hiện nay. Rõ ràng một bộ máy hành chính có nhiều "dị tật" sẽ trì trệ, chậm chạp, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước.

Điều đáng nói hơn, người ta không bỏ ra vài chục hay vài trăm triệu đồng "chạy" vào cơ quan nhà nước chỉ để hưởng "cái sự nhàn" với đồng lương không bảo đảm được cuộc sống tối thiểu. Không ai bỏ tiền đầu tư mà không nghĩ đến chuyện thu hồi vốn và tạo ra lợi nhuận, bởi những người bỏ tiền để có được một chân công chức sẽ tìm mọi cách để kiếm tiền và tận dụng mọi "điều kiện" có thể để nhận hối lộ. Để kiếm nhiều tiền hơn, họ sẽ nhằm đến "cái ghế" cao hơn, chuyện "bán mua", "đổi chác" sẽ lại diễn ra cùng sự hình thành của các "nhóm lợi ích"... Vòng xoáy lợi ích kéo theo hệ lụy xã hội như thế nào, có lẽ không phải bàn thêm!

2. Cũng trong tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến tính năng động của lãnh đạo hay chỉ số tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng... thì kiểm soát tham nhũng một lần nữa cần tiếp tục được đặt ra. Theo khảo sát, 66% doanh nghiệp dân doanh cho biết phải trả thêm các chi phí không chính thức, nhiều doanh nghiệp đã dành tới 10% doanh thu cho các khoản đút lót, rồi chi phí "hoa hồng" cho các hoạt động đấu thầu khi tham gia các hợp đồng với cơ quan nhà nước vẫn ở mức cao... Điều đáng nói là tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp tăng từ 44% năm 2013 lên tới 66% năm 2014... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp FDI thẳng thắn cho rằng: Chi phí "bôi trơn" là một trong những lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn.

Doanh nghiệp phải chi trả ngày càng nhiều cho các khoản "bôi trơn" từ việc xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu... và đương nhiên kéo theo đó hàng loạt vấn đề. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp làm ăn chân chính khó có thể "gồng mình" với những khoản phí không chính thức lên đến con số 10% doanh thu như đã nêu trên. Thực tế, có không ít doanh nghiệp kêu trời vì chuyện "bôi trơn" nhưng vẫn "không trơn" và cũng có không ít doanh nghiệp "sinh ra" chỉ để "đánh quả", thậm chí chỉ để làm việc "môi giới" cho các cuộc "bôi trơn"... Đáng nói ở đây, chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ nằm ở những khoản "bôi trơn" trực tiếp mà còn là những hệ lụy từ việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực (chi phí cao hơn, chất lượng kém hơn...). Một khi việc làm ăn được đặt vào "các mối quan hệ" thì lợi ích sẽ chỉ đến với một số người, một nhóm người, còn hệ lụy thì cả xã hội sẽ phải gánh chịu.

Ở một khía cạnh khác, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng triệt để thói "tham nhũng vặt" của một bộ phận cán bộ công chức cùng cái gọi là "văn hóa phong bì" cho những mục đích riêng. Theo GS.TS kinh tế Đại học Duke Hoa Kỳ - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, một số nhà đầu tư không phiền lòng khi phải trả các chi phí không chính thức vì đổi lại họ được "bảo hộ" và thu được lợi nhuận cao hơn. Như vậy, có thể thấy phí "bôi trơn" không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh mà nguy hiểm hơn, có chuyên gia kinh tế nhận định: Một số doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng những ưu đãi có được từ các "mối quan hệ" để thao túng thị trường, bóp nghẹt doanh nghiệp nội... Và phía sau những câu chuyện chuyển giá, trốn thuế... không thể không nói tới "dấu ấn" của những chiếc phong bì.

3. Một khi "bôi trơn", "tham nhũng vặt" trở thành chuyện thường ngày thì tham nhũng ở những dự án lớn sẽ không phải là chuyện lạ, vấn đề chỉ là phát hiện đến đâu và xử lý thế nào mà thôi. Từ những vụ việc liên quan đến dự án Đại lộ Đông Tây và đường sắt đô thị từng làm "nóng" dư luận một thời có thể thấy điều gì? Tại sao các công ty tư nhân của nước ngoài sẵn sàng "lót tay" cho các hợp đồng đấu thầu tại Việt Nam? Tại sao nước cho vay ODA phát hiện ra những vụ việc liên quan đến tham nhũng tại các dự án sử dụng nguồn vốn này, còn chúng ta lại phản ứng chậm chạp và bị động như vậy? Rõ ràng đã đến lúc phải nghiêm khắc thực sự trong đấu tranh phòng chống tham nhũng để có những giải pháp thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp, xây dựng hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng; ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động quyết liệt đẩy lùi nạn tham nhũng; xét xử nghiêm minh một số vụ án tham nhũng lớn... Tuy nhiên, văn hóa phòng chống tham nhũng vẫn chưa hình thành một cách đầy đủ trong xã hội. Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, răn đe để không dám tham nhũng và cơ chế đãi ngộ để không cần tham nhũng thì việc xây dựng văn hóa phục vụ trong đội ngũ công chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thay vì xem doanh nghiệp và người dân là đối tượng để "ban phát", để "kiếm tiền", các cơ quan công quyền phải trở lại gốc của vấn đề là coi doanh nghiệp, người dân là đối tượng để phục vụ. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ hạn chế được "tham nhũng vặt", nạn "bôi trơn", và như vậy các cơ chế, chính sách ban hành sẽ không còn tình trạng "từ trên trời rơi xuống" có lợi cho nhà quản lý, cho một nhóm lợi ích, nhưng không thể áp dụng trong đời sống thực tế vì không gắn với quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.

Con người là yếu tố cốt lõi nên mọi giải pháp phải bắt đầu từ con người, từ việc xây dựng đội ngũ công chức có năng lực, có đạo đức công vụ và văn hóa phòng chống tham nhũng. Nếu tham nhũng tiếp tục ăn mòn niềm tin của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ăn mòn niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền thì mục tiêu cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động hành chính công... của Đảng và Nhà nước không thể trở thành hiện thực.

Cù Xuân Trường