Danh xưng ''Người Hà Nội''

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:20, 16/10/2020

(HNMCT) - Suốt trong dòng chảy lịch sử, biết bao ngôn ngữ đã mất đi, bao công trình kiến trúc tuyệt mỹ đã trở thành hoài niệm, bao phong tục tập quán chỉ còn trong sách vở. Chỉ có con người, với tư cách là chủ thể sáng tạo nên những giá trị vật thể và phi vật thể, đối tượng viết nên lịch sử, là còn lại mãi mãi.

Bởi thế, có thể xem những người con ưu tú của Hà Nội chính là những dòng chảy di sản nối mạch nguồn trong vắt nghìn năm, góp phần tạo nên sức mạnh, bản sắc không thể trộn lẫn của con sông mang tên dân tộc Việt khi hòa mình vào đại dương nhân loại.

Cái danh xưng “Người Hà Nội” có một ý nghĩa kỳ lạ đối với mọi con dân nước Việt, có lẽ phần lớn bởi những giá trị được hun đúc, lưu truyền ngàn năm. Người Hà Nội - giản dị thôi mà rất đỗi tự hào. Chẳng thế mà dù ai cũng yêu quê hương, cũng mê luyến lũy tre làng, nhưng khi sống ở Thủ đô cứ thích được gọi là người Hà Nội. Hà Nội đem lại những cảm nhận thật đặc biệt, đối với cả những người chưa bao giờ được đặt chân đến vùng đất này. Bởi thế mà có nhà thơ đã viết: “Tôi không được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội/ Hà Nội tự sinh ra và tự lớn trong tôi...”.

Hà Nội đã tự sinh ra và tự lớn trong Lý Công Uẩn như thế nào mà vị vua đầu triều Lý dù quê hương ở Kinh Bắc, lập nghiệp ở đất Hoa Lư, Ninh Bình đã quyết định chọn nơi hội tụ của sông Hồng, sông Tô làm “đất đế vương muôn đời”. Kể từ đó, Thăng Long - Hà Nội trở thành nơi lắng hồn sông núi, hay bởi vì là nơi lắng hồn sông núi nên đã được chọn vào mùa thu lịch sử 1010, để lịch sử dân tộc Việt có một truyền thuyết thật đẹp về kinh đô Thăng Long - rồng bay lên.

Đã bao giờ có ai tự hỏi: Hồn thiêng sông núi ngàn năm của Thăng Long là gì? Đó là lịch sử được viết nên bởi lớp lớp con người hữu danh và vô danh, những người: “Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm). Có thể dễ dàng kể tên những danh tướng lẫy lừng chống giặc ngoại xâm, khẳng khái nói những câu bất hủ “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo” hay “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin chém đầu thần trước đã”..., nhưng chúng ta không thể biết có bao nhiêu người con ưu tú đã cống hiến máu xương, tuổi trẻ và lợi ích cá nhân cho kinh đô/ Thủ đô ngàn năm văn hiến, cho đất nước và dân tộc. Cũng như cả nước, sự hy sinh đó đã trở thành truyền thống của người Hà Nội, mà những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử - gần đây nhất trong thế kỷ XX là những ngày “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm 1946, “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 - là minh chứng hùng hồn nhất. Hồn thiêng sông núi của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội được tạo nên bởi sự hy sinh vô điều kiện, bởi một tình yêu đất nước lớn lao như vậy. Bởi thế mà Hà Nội mới có thể tự sinh ra và tự lớn lên trong mọi người, kể cả những người không sống ở Hà Nội.

Bia tiến sĩ năm 1484 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám khắc tuyên ngôn “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí” (Hiền tài là nguyên khí quốc gia) của Thân Nhân Trung. Hiền tài cũng là nguyên khí của Hà Nội. Không quá nhiều nhân kiệt sinh ra trên mảnh đất này, nhưng với tư cách là kinh đô/ Thủ đô của một đất nước độc lập, Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài lịch sử của mình chính là nơi hun đúc nên bản lĩnh của những người con kiệt xuất từ bốn phương tụ về, không chỉ trong lĩnh vực chính trị, quân sự, mà trong tất cả các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa, nghề thủ công... Thăng Long - Hà Nội tự thân đã tạo nên một sức hút mãnh liệt với nhân tài bốn phương.

Nhiều người băn khoăn, không biết địa linh sinh nhân kiệt hay nhân kiệt tạo nên địa linh. Nhưng với Hà Nội, đây chính là “lò luyện linh đan” để tạo nên nhân kiệt cho đất nước. Những người con tài năng khắp bốn phương đều hội tụ về đây, để một lần nữa họ được sinh ra, được tôi luyện thành "linh đan" của dân tộc. Có lẽ cũng bởi thế mà Hà Nội luôn được yêu mến, tôn thờ bằng những tình cảm thật đặc biệt.

Lý Thái Tổ hay hồn thiêng sông núi đã chọn Thăng Long - Hà Nội làm đất kinh đô, để từ khi rồng bay lên, những con người sống trên mảnh đất này chưa bao giờ phụ niềm tin của núi sông, của quá khứ. Và có thể khẳng định, tài nguyên văn hóa ngàn năm cùng nguồn lực con người chính là lợi thế, là động lực, sức mạnh để Hà Nội tiếp tục vững bước vào tương lai.

Trương Công