Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất nghề Ngọc Mỹ

Thu Hằng| 02/10/2011 04:42

(HNM) - Nằm sát thị trấn Quốc Oai, tuy không tránh khỏi quá trình đô thị hóa, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai vẫn giữ được dáng vẻ của làng quê Việt Nam truyền thống với những ngôi nhà, mái chùa cổ kính. Người dân nơi đây không chỉ giỏi làm nông nghiệp, mà còn duy trì và phát triển mạnh ngành nghề truyền thống, đời sống ngày càng sung túc.


Bà Nguyễn Thị Nghi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Mỹ cho chúng tôi biết: Xã có hai thôn Phú Mỹ và Ngọc Than, cả hai thôn đều có nghề truyền thống, làm nón, mũ lá và nghề mộc dân dụng. Ngoài cây lúa, rau màu, hiện cả xã có 25 hộ mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình trang trại VAC với tổng diện tích gần 30ha. Năng động trong chuyển đổi, chăm chỉ làm ăn, đời sống của người dân Ngọc Mỹ ngày càng được nâng lên, bình quân thu nhập đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm 2010. Năm 2010, cả xã có 40 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, trong đó cấp trung ương có hai hộ, cấp thành phố có hai hộ...

Nghề làm nón ở xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai). Ảnh: Đỗ Hà

Đưa chúng tôi đến thăm thôn Ngọc Than, nơi có nghề mộc dân dụng phát triển, bà Nghi luôn miệng: "Cứ vào khắc biết, thanh niên làng này chịu khó lắm, chẳng ai chơi đâu. Nhiều cháu mới trên chục tuổi đã xin bố mẹ cho đi học nghề với mong muốn có thể sống được bằng nghề truyền thống của cha ông". Quả thực, chỉ trong 5 năm trở lại đây, nghề sản xuất đồ mộc dân dụng (chủ yếu là sản xuất đồ thờ) ở thôn Ngọc Than rất phát triển. Cả thôn có trên 100 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm quanh năm cho hàng nghìn lao động. Anh Đỗ Văn Nam, ông chủ trẻ năm nay mới 27 tuổi nhưng đã có tới 9 năm làm nghề mộc dân dụng, trong đó 6 năm làm ông chủ. Khuôn viên xưởng sản xuất đồ thờ của anh Nam chỉ vẻn vẹn 48m2 nhưng có tới hàng chục lao động trẻ. Ngoài hộ anh Nam, riêng thôn Ngọc Than hiện có trên 100 cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, chủ yếu sản xuất đồ thờ cúng. Ông chủ trẻ Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Các mặt hàng gỗ được sản xuất ở đây chủ yếu là hoành phi, câu đối, án gian, cửa võng... do vậy đòi hỏi người thợ khi làm phải tỷ mỉ, chính xác đến từng chi tiết, không thể làm cẩu thả, vội vàng. Hiện hầu hết các hộ sản xuất đồ mộc ở Ngọc Than đều tận dụng đất ở của gia đình để mở xưởng sản xuất nên không tránh khỏi chật chội, bụi bặm, ô nhiễm môi trường. Mong muốn của anh Tuấn nói riêng và các hộ sản xuất đồ mộc nói chung ở Ngọc Than là có một xưởng sản xuất lớn hơn để có thể đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, vật dụng trang trí phục vụ cho nhu cầu tâm linh cũng như sinh hoạt gia đình.

Thấy chúng tôi băn khoăn khi lao động làm nghề tại các xưởng mộc đều quá trẻ, bà Nguyễn Thị Nghi tấm tắc: "Số lao động này vừa học vừa làm đấy. Thanh niên trong làng bây giờ thích học nghề, chẳng phải vận động họ đã đăng ký kín danh sách. Thế hệ trẻ ở Ngọc Mỹ nay đã khác xưa rất nhiều, những người như anh Nam, anh Tuấn... không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tham gia dạy nghề, truyền nghề cho nhiều lao động địa phương. Theo bà Nghi, thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay cơ sở sản xuất đồ mộc của anh Nam đã phối hợp với Huyện đoàn Quốc Oai và Hội Nông dân xã Ngọc Mỹ tổ chức 2 lớp dạy nghề cho 100 lao động trong xã. Sau gần 3 tháng, số lao động này đã cơ bản nắm được các công đoạn của nghề mộc dân dụng, đặc biệt là quy trình sản xuất một số đồ mộc kỹ thuật cao như đồ thờ.

Ngoài nghề mộc, Ngọc Mỹ còn có nghề làm nón, mũ lá. Mặc dù mấy năm trở lại đây nhu cầu sử dụng nón, mũ lá giảm, nhưng nó vẫn là nghề "cứu tinh" cho biết bao phụ nữ lúc nông nhàn. Rồi mấy năm trở lại đây, làng quê lại có thêm nghề mới là làm chổi chít. Hiện gia đình ông Nguyễn Chí Xuân, người đầu tiên đưa nghề về làng đã cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề; phối hợp với nhiều hộ lập các xưởng nón, mũ, chổi... tạo việc làm cho khoảng 80% số hộ thôn Phú Mỹ.

Giờ đây sản xuất nông nghiệp chỉ bảo đảm lương thực cho người và chăn nuôi, nghề thủ công dẫu không sôi động như trước đây nhưng vẫn là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vùng đất Ngọc Mỹ đang chuyển mình từng ngày cùng đất nước nhờ đất nghề nuôi dưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất nghề Ngọc Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.