Cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ mạnh

Đời sống - Ngày đăng : 08:43, 15/06/2019

(HNM) - Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị “Tổng kết 9 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 14-6, tại Hà Nội.

Theo đó, sau 9 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc, để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam, giúp người tiêu dùng giải quyết đơn khiếu nại đạt tỷ lệ thành công hơn 80%. Tuy nhiên, thời gian qua, thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn phổ biến ở nhiều cấp độ và ngày càng diễn biến phức tạp. Cơ chế, biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ mạnh, bao quát, kịp thời để làm chỗ dựa tin cậy cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa xây dựng và công bố rộng rãi các kênh thông tin hỗ trợ người tiêu dùng trong quá trình khiếu nại. Thủ tục khiếu nại còn rườm rà, phức tạp, hệ thống ghi nhận, lưu trữ và xử lý thông tin khiếu nại chưa được hình thành. Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật quy định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương cụ thể là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục tăng cường phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các địa phương, các sở công thương nhằm đẩy mạnh hoạt động sát thực tiễn; góp phần hỗ trợ cho thành công chung trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiền Thanh