Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng tăng hơn 11%

Kinh tế - Ngày đăng : 11:45, 29/08/2018

(HNMO)-8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2,86 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm nay ước đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng
(ảnh minh họa, nguồn: internet)


Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2,86 triệu tỷ đồng


Tính chung 8 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2,86 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,53% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,36%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm nay ước đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,8%; may mặc tăng 12,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,8%; phương tiện đi lại tăng 10,7%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 352 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 9,1%. Doanh thu du lịch lữ hành ước  đạt 26,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 17,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 332,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6%.

8 tháng, xuất siêu 2,8 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,11 tỷ USD, tăng 17,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,30 tỷ USD (chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 13,4%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước như : Điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU, đạt 27,7 tỷ USD, tăng 10,8%,

Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đạt mức cao là: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện;vải; sắt thép.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 41,4 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 30,8 tỷ USD, tăng 1,9%.

Tháng 8, ước tính nhập siêu 100 triệu USD. Tính chung 8 tháng cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD. Trong đó, xuất siêu sang Hoa Kỳ 21,5 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 18,8 tỷ USD, tăng 10,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 19 tỷ USD, giảm 9,6%; nhập siêu từ Trung Quốc 18 tỷ USD, giảm 0,1%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 2,7%.

Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,5 tỷ USD.

Thanh Hương