Ở nơi nói "không" với vàng mã

Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 08/03/2018

(HNM) - Gần 6 năm nay, xã Cự Khê trở thành điểm sáng của huyện Thanh Oai trong việc vận động nhân dân không đốt vàng mã, góp phần xây dựng nếp sống văn minh của người Hà Nội.

Ni sư Thích Đàm Dung, trụ trì chùa Trì Bồng giáo hóa giáo lý nhà Phật, không đốt vàng mã cho nhân dân thôn Khê Tang.


Theo bà Phạm Thị Lương Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê, các thôn trên địa bàn xã đã hạn chế đốt vàng mã từ gần 6 năm nay. Riêng thôn Khê Tang tuyệt đối nói "không" với đốt vàng mã. Kinh tế, đời sống văn hóa của người dân không bị ảnh hưởng mà vẫn phát triển từng ngày. Cự Khê được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016 với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, hiện đại.

Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp ủng hộ của nhân dân trong xã góp phần tạo nên diện mạo mới cho xã. Các gia đình làm miến, tương truyền thống luôn tấp nập tiểu thương đến thu mua. Thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Vào chùa Trì Bồng, thôn Khê Tang đúng ngày Rằm tháng Giêng, điều dễ nhận thấy là các phật tử đi lễ chùa không mang theo vàng mã. Chị Nguyễn Thị Hồng, người thôn Khê Tang cho biết: “Rằm, mùng Một nào tôi cũng lên chùa, nhưng từ lâu không mua vàng mã đốt, mà chỉ dâng hoa, quả. Tiền đó để làm từ thiện, góp công xây chùa và các công trình xã hội khác”.

Ni sư Thích Đàm Dung, trụ trì chùa Trì Bồng kể: Trước kia, mỗi khi đến dịp lễ, Tết, ngày Rằm, mùng Một, chùa “ngút ngàn” khói, bụi từ việc hóa vàng mã của phật tử. Nhưng gần 6 năm nay, nhà chùa kiên quyết không nhận vàng mã.

“Không phải ngay một lúc mà người dân nghe theo, bởi đó là yếu tố tâm linh nên nhà chùa phối hợp với lãnh đạo địa phương kiên trì vận động mới đạt được hiệu quả…” - ni sư Thích Đàm Dung chia sẻ.

Không chỉ bỏ đốt vàng mã tại chùa, các gia đình ở Cự Khê không mua vàng mã về cúng rồi hóa tại gia như trước. Khi đã hiểu rõ, việc bỏ đốt vàng mã không làm ảnh hưởng đến việc thờ cúng tổ tiên, các gia đình đều vui vẻ, tự nguyện hưởng ứng. Đến nhiều gia đình ở Khê Tang hôm nay sẽ thấy, trên ban thờ gia tiên đều có một chiếc hòm nhỏ để cạnh. Mỗi khi có việc, họ không mua vàng mã, mà bỏ tiền thật vào hòm, cuối năm dùng số tiền đó làm từ thiện…

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, ở xóm Thượng, thôn Khê Tang, nói: “Tôi cho rằng, chú trọng yếu tố tâm linh phải gắn với sự hiểu biết đúng đắn để việc thờ cúng, dâng lễ vừa thể hiện cái tâm của mình, vừa thực hiện nếp sống văn minh”.

Ni sư Thích Đàm Dung cho biết thêm, mỗi dịp cần giúp đỡ người nghèo, nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, người dân thôn Khê Tang lại mở hòm, tự nguyện đóng góp để chung tay giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Hay mỗi khi nhà chùa xây dựng các hạng mục nào đó, người dân Khê Tang dùng số tiền tiết kiệm đó để công đức.

Từ việc chùa Trì Bồng kiên quyết nói "không” với việc cúng, hóa vàng mã nay đã lan sang hai thôn Cự Đà và Khúc Thủy. Hai ngôi chùa còn lại của xã Cự Khê cũng đã hạn chế rất nhiều việc đốt vàng mã. Ni sư Thích Đàm Dung cho biết, đề nghị không đốt vàng mã của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây là hoàn toàn đúng đắn, bởi việc làm này thực tế chưa phải là cơ sở mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Theo ni sư, để phong trào nói "không" với đốt vàng mã được triển khai hiệu quả, vai trò của trụ trì các cơ sở thờ tự rất quan trọng.

Bà Phạm Thị Lương Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã cũng khẳng định, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; các tổ chức đoàn thể tích cực vận động cán bộ, hội viên thực hiện không đốt vàng mã, để tiến tới Cự Khê hoàn toàn nói "không" với vàng mã, xây dựng nếp sống văn minh.

Dương Linh