Góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch

Xã hội - Ngày đăng : 05:57, 19/10/2017

(HNM) - Hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 3-10-2012, của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”, ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ và gia đình lựa chọn hình thức cưới đơn giản, tiết kiệm trong ngày vui trọng đại này.

Lễ cưới tập thể theo nếp sống mới. Ảnh: Nhật Nam


Anh Nguyễn Ngọc Tân (Huấn luyện viên karate, phường Liễu Giai, quận Ba Đình): Để ngày cưới thực sự có ý nghĩa

Sau 5 năm tìm hiểu, chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân và không ngần ngại lựa chọn tổ chức cưới theo nếp sống mới. Bởi cả hai vợ chồng tôi đều quan niệm, một cuộc hôn nhân hạnh phúc không phụ thuộc vào đám cưới to hay nhỏ, và chúng tôi muốn ngày cưới trở thành một sự kiện đầy ý nghĩa, một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên. Là một trong 40 cặp đôi tham gia Lễ hội "Đám cưới nếp sống mới và Đám cưới vàng 2017" do Thành đoàn Hà Nội và Quận ủy Ba Đình tổ chức tháng 4-2017, chúng tôi vinh dự được tham gia rất nhiều hoạt động nhân văn: Lễ cưới "Hằng thuận" cho các cặp đôi tại Thiền viện Trúc lâm Sùng Phúc - nghe giảng về đạo lý vợ chồng; tham gia hoạt động tập thể và chụp ảnh tại bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng); triển lãm ảnh cưới và thi ảnh cưới đẹp tại Công viên Bách Thảo; triển lãm đám cưới xưa và nay; tham gia chương trình giao lưu bí quyết giữ lửa hạnh phúc… Bản thân chúng tôi khi đăng ký tham gia cũng không ngờ chương trình lại hấp dẫn đến vậy. Trước đó, gia đình hai bên cũng cam kết thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, tổ chức tiệc cưới đơn giản và không quá 300 khách mời. Sau ngày cưới, cả hai bên gia đình đều rất hài lòng, còn chúng tôi thấy hạnh phúc vì đã có một đám cưới giản dị nhưng trọn vẹn ý nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Thắng (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm): Niềm vui trọn vẹn

Khi tổ chức hôn lễ cho các con, cháu, gia đình tôi lựa chọn theo phong cách thanh lịch, nhẹ nhàng, không cỗ bàn linh đình, khách sạn sang trọng, đúng tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội. Và cũng chính vì không tổ chức cỗ bàn rầm rộ nên lễ cưới của con, cháu chúng tôi thường có rất đông bạn bè đến dự, chuyện trò vui vẻ, lắng đọng hơn, chứ không phải đi chúc tụng bia rượu ồn ã, thậm chí cãi cọ khi quá chén. Một điều ý nghĩa thiết thực nữa là, vì cưới theo nếp sống văn minh, hai bên nội, ngoại và các con, cháu tôi đều được hưởng trọn niềm hân hoan, không bị chi phối về khách mời hay về kinh tế. Số tiền tiết kiệm khi tổ chức tiệc cưới, đôi bên họ hàng mua thêm quà cưới ý nghĩa cho các con, cháu. Đây mới thực sự là điều làm nên niềm vui trọn vẹn cho đôi lứa sau lễ thành hôn...

Ông Phạm Thiện Trực (Trưởng ban Công tác Mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 8, phường Văn Miếu, quận Đống Đa):Tổ chức chính trị cơ sở đóng vai trò quan trọng

Nhiều gia đình có điều kiện cố gắng tổ chức đám cưới cho con, cháu “hoành tráng”, khách mời đông, ăn uống linh đình ở khách sạn sang trọng... Việc này không những gây lãng phí, mà còn tạo “áp lực” cho gia đình và cả khách mời.

Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội được nhân dân đồng tình đón nhận và thực hiện. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi cần sự quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của từng địa phương. Để thay đổi quan niệm xưa cũ của người dân, từ Bí thư Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng các Chi hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên phải nêu gương và thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị này tới đoàn viên, hội viên, gia đình, dòng họ, để từ đó lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Ánh Dương (Khoa Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Hà Nội): Đừng biến ngày vui thành “gánh nặng”…

Hai vợ chồng tôi luôn quan niệm, một đám cưới rình rang, tốn kém với siêu xe, váy cưới ngoại nhập… không phải là yếu tố làm nên hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự chỉ đến từ thái độ, cách ứng xử của mỗi người trong cuộc sống hôn nhân. Chung suy nghĩ đó nên việc chuẩn bị đám cưới được chúng tôi và hai bên gia đình thực hiện nhanh gọn, tiết kiệm. Do chỉ tổ chức tại một nơi, một ngày duy nhất và lượng khách mời dưới 300 người nên ngày cưới của chúng tôi đúng nghĩa là ngày đại gia đình, họ hàng sum họp, là dịp bạn bè, đồng nghiệp thân thiết gặp mặt, chuyện trò. Một đám cưới với đầy đủ nghi lễ, thủ tục, đầm ấm và giản dị, đúng như mong đợi của chúng tôi và gia đình. Không mất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị, không chi phí quá lớn… nhưng cả hai gia đình đều hoàn toàn mãn nguyện. Hiện nay, tâm lý “cả đời chỉ cưới một lần” vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của không ít gia đình, nhiều cặp đôi nên họ vẫn tổ chức cưới linh đình. Song, việc tổ chức một đám cưới giản dị và có trách nhiệm chính là cách mà các bậc sinh thành nên dạy con mình khi bước vào hôn nhân. Còn các bạn trẻ, đừng biến ngày vui của mình thành gánh nặng ngay từ những ngày đầu của cuộc sống mới…

Bảo Nga - Phạm Oanh