Cộng hưởng trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 30/08/2017

(HNM) - Vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang là vấn đề “nóng”, được cả xã hội quan tâm vì liên quan trực tiếp đến sản xuất và sức khỏe hằng ngày của mỗi người. Về lâu dài, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cả chất lượng giống nòi nếu như các biện pháp quản lý, ngăn ngừa thực phẩm “bẩn” chưa thực sự hiệu quả.


Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, những năm gần đây, nhiều căn bệnh lạ và quái ác xuất hiện khiến các nhà khoa học không khỏi lo ngại. Một trong những nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ khâu chất lượng thực phẩm không bảo đảm. Cụ thể là có 35% nạn nhân toàn cầu mắc bệnh ung thư liên quan đến yếu tố thực phẩm và thói quen ăn uống hằng ngày.

Do đó, để xử lý tận gốc vấn đề, việc phối hợp liên ngành của TP Hà Nội với các cơ quan trung ương và các địa phương cung cấp sản phẩm nông nghiệp về Thủ đô rất quan trọng. Ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm thì nhất thiết phải siết lại khâu quản lý cả trong sản xuất và cung cấp thực phẩm. Với sản xuất, cần tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây, con giống, vật tư, hóa chất... sử dụng trong nuôi, trồng, cũng như trong các khâu công việc liên quan.

Còn trong phân phối, tại các chợ đầu mối phải làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý chợ gắn với việc đầu tư chợ đạt tiêu chuẩn. Đối với chợ cóc, chợ tạm, phải tăng cường kiểm tra và treo biển công khai thông báo những nơi không bảo đảm an toàn thực phẩm để người tiêu dùng rõ. Chính quyền cơ sở cũng cần kiên quyết cấm những trường hợp kinh doanh thực phẩm tươi sống không bảo đảm điều kiện vệ sinh. Những việc này phải được triển khai bền bỉ, quyết liệt, rõ từng công việc và gắn với trách nhiệm cụ thể của mỗi cá nhân.

Ngoài ra, vì nguồn gốc vi phạm an toàn thực phẩm tại những điểm giết mổ thủ công là rất lớn nên cũng phải có kế hoạch giảm dần hằng năm số điểm giết mổ nhỏ lẻ. Quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm, không để kéo dài tình trạng “phạt cho tồn tại”, "bắt cóc bỏ đĩa".

Đối với người tiêu dùng, cần hiểu đúng và đầy đủ khi mua thực phẩm nói chung là có quyền đòi hỏi nhà phân phối, tiểu thương cung cấp rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hạn sử dụng, không nên mua hàng trôi nổi. Nhưng có thực phẩm sạch rồi mà việc chế biến, bảo quản không tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm thì đó cũng là nguyên nhân có thể gây ra những biến chứng khó lường đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt, các cơ quan truyền thông cũng cần hướng tới một chiến lược truyền thông có trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm, vì chất lượng sản phẩm luôn gắn với vấn đề thương mại. Những năm qua, cùng với việc "đánh mạnh" vào các sản phẩm không an toàn, truyền thông đã ít nhiều có tác động tiêu cực tới việc tiêu thụ nông sản. Ví dụ như câu chuyện ăn bưởi gây ung thư, ăn vải gây bại não, “thần dược” giúp rau lớn nhanh như thổi… dựa trên những chứng cứ phản khoa học hoặc chưa được chứng minh tính chính xác đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, dẫn đến người sản xuất mặt hàng đó điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm. Do đó, các cơ quan truyền thông cần tham gia làm sao vừa tuyên truyền hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng, vừa bảo đảm để truyền thông hàng nông sản sạch lấn át sản phẩm chưa sạch…

Có một mâm cơm an toàn là mong mỏi chính đáng của mỗi gia đình. Nhưng mong muốn đó có trở thành hiện thực hay không phải là sự cộng hưởng trách nhiệm từ nhiều phía: Cơ quan quản lý, nhà sản xuất - tiêu thụ sản phẩm và chính mỗi người dân. "Hổng" bất kỳ ở khâu nào thì nguy cơ xấu rất dễ xảy ra, có khi trả giá bằng cả tính mạng...

Thế Đan