Máy bộ đàm

Công nghệ - Ngày đăng : 06:51, 22/08/2017

(HNM) - Bộ đàm chính là máy thu phát vô tuyến 2 chiều liên lạc thoại. Bộ đàm thường dùng để liên lạc thoại giữa 1 máy với 1 hoặc nhiều máy khác bằng truyền sóng vô tuyến.

Đặc điểm của máy bộ đàm là luôn có phím “nhấn để nói” (push to talk - PTT) giúp liên lạc tức thì. So với điện thoại di động, bộ đàm giúp liên lạc tức thì, giảm thời gian chết; phù hợp hơn trong các trường hợp khẩn cấp, trao đổi thường xuyên. Đặc biệt, bộ đàm hoạt động không lệ thuộc mạng viễn thông công cộng; hữu ích khi sử dụng trong tình huống cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Có nhiều cách phân loại bộ đàm, theo tần số có MF/HF, VHF, UHF; theo tính cơ động có loại cầm tay, lưu động và trạm cố định; theo lĩnh vực ứng dụng; theo mức độ kết nối; theo công nghệ…

Khi trang bị bộ đàm, người mua cần tìm hiểu về tần số của bộ đàm vì các hãng sản xuất có thể sử dụng các tần số khác nhau. Các bộ đàm liên lạc với nhau phải bảo đảm cùng hoạt động được trên cùng một tần số. Dải tần số VHF dành cho bộ đàm thương mại từ 136 đến 174 MHz. Dải tần số UHF cho bộ đàm thương mại từ 400 đến 512 MHz. Với công suất phát tương đương, sóng VHF sẽ truyền đi xa hơn sóng UHF ở những nơi ít có vật cản. Vì vậy, VHF thường được chọn cho liên lạc ở nơi địa hình tương đối bằng phẳng như vùng đồng bằng, biển, bầu trời. Còn sóng UHF có bước sóng ngắn, có thể xuyên vật cản tốt hơn nên thường được dùng trong khu vực có nhà cao tầng, công trình xây dựng, rừng rậm. Khi có nhu cầu sử dụng cả trong nhà và ngoài trời thì bộ đàm tần số UHF là thích hợp. Thông thường bộ đàm có thể giúp liên lạc trong phạm vi 2km.

Khải Phương