Tuyên truyền phòng, chống tội phạm: Hiệu quả chưa đồng đều

Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 27/05/2017

(HNM) - Trong nhiệm vụ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm không thể thiếu công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng, đoàn thể của thành phố đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, phát động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giúp cơ quan công an trong công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội. Riêng năm 2016, nhân dân đã cung cấp gần 37.500 tin liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có hơn 20.100 tin về tội phạm hình sự, gần 10.000 tin về tệ nạn xã hội…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm vẫn còn hạn chế. Theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội có lúc, có nơi chưa được tiến hành thường xuyên, chưa chọn lọc nội dung phù hợp với từng loại đối tượng nên chưa thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng; biện pháp tuyên truyền, vận động không được đổi mới, thiếu tính thực tế…

Thực trạng trên dẫn đến công tác phòng ngừa xã hội đối với một số loại tội phạm, tệ nạn không đạt hiệu quả, thủ đoạn của các thế lực thù địch chậm bị vạch trần. Chẳng hạn như việc gần đây xuất hiện các loại ma túy mới, có hình thức lạ, độc tính cao (như lá khát, muối tắm, trà sữa, tem giấy…) nhưng việc phổ biến, giáo dục tới đối tượng thanh thiếu niên còn chậm. Thủ đoạn của tội phạm trộm cắp, cướp giật, lừa đảo không được thường xuyên cảnh báo nên vẫn xảy ra nhiều, chưa kiểm soát triệt để. Như hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, mạo danh cán bộ cơ quan pháp luật, đe dọa để nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản tội phạm. Dù loại tội phạm này không mới, đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng do không được thường xuyên tuyên truyền nên gần đây, đầu tháng 5-2017, Công an quận Hai Bà Trưng đã tiếp nhận trình báo của một nạn nhân về việc bị kẻ giả danh “cán bộ Công an phòng, chống ma túy” điện thoại cho biết có liên quan đến tội phạm, lừa mất 2 tỷ đồng…

Thực tế cho thấy, lực lượng chức năng đã chỉ ra được bất cập và nguyên nhân của bất cập nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Trong khi đó, cơ quan công an là đầu mối thông tin nhưng chưa thật sự chủ động cung cấp cho các cơ quan truyền thông. Các tổ chức, đoàn thể còn thụ động, trông chờ vào tài liệu từ cơ quan công an nên nội dung tuyên truyền thường cũ, chậm được cập nhật. Chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa coi trọng công việc này, có tư tưởng “khoán” cho công an, đoàn thể…

Để khắc phục những hạn chế đó, đã đến lúc cần sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm, đồng bộ của các cơ quan liên quan và chính quyền cơ sở. Bởi trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa là biện pháp quan trọng hàng đầu và tuyên truyền là “vũ khí” hiệu quả. Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình an ninh trật tự, tổ chức ngày 15-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải nêu cao trách nhiệm cá nhân, trước hết là những người lãnh đạo, trong bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, chứ không chỉ nói trách nhiệm chung chung. Để làm tốt công tác phòng ngừa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải mở đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh trật tự; làm tốt công tác tuyên truyền, thế trận an ninh nhân dân mới được củng cố và phát huy hiệu quả…

Thành Tâm