Cần sự thay đổi toàn diện

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 22/05/2017

(HNM) - Với 70% dân số sống bằng nghề nông, nhưng nhiều năm qua nông sản Việt vẫn quẩn quanh với câu chuyện “được mùa - rớt giá”. Chuyện dưa hấu không có thị trường tiêu thụ, cà phê trồng vượt diện tích quy hoạch và giá thịt lợn giảm mạnh…


là bài học đắt giá cho nền sản xuất phá vỡ tính kế hoạch, không tuân thủ quy luật thị trường. Là vựa lúa của thế giới, nhưng gạo xuất khẩu vẫn chịu cảnh lép vế so với các nước trong khu vực...

Những hạn chế trên đã được phân tích, làm rõ. Đó là bởi nền nông nghiệp còn manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy trình đồng nhất. Do đó, không áp dụng được khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, không bảo đảm được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Và, với những sản phẩm chưa định danh được nguồn gốc, chất lượng nên nông sản Việt không xây dựng được thương hiệu mạnh. Trong khi đó, các điều kiện về bảo quản hàng nông sản cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc tế, dẫn đến sự bấp bênh cho đầu ra của hàng hóa.

Giải quyết tồn tại này, Nhà nước đã khuyến khích liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để giúp nông dân… Song, thực tế, mối liên kết này khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên. Doanh nghiệp được người nông dân trông đợi nhiều nhất trong tiêu thụ sản phẩm nhưng không những không làm tốt vai trò của mình mà còn là “nhà” hưởng lợi nhiều nhất trong khâu liên kết… Trong nhiều trường hợp, nông dân vẫn là người thua thiệt nên không đầu tư sản xuất theo hướng bền vững, chỉ chạy theo những cái lợi trước mắt.

Thực tiễn này cho thấy phương thức sản xuất manh mún đã không còn phù hợp. Điều căn cơ, cốt yếu nhất cần phải thay đổi. Đó là chính sách về đất đai.

Để có nền nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao thì phải thay đổi nền sản xuất nhỏ lẻ bằng cách tích tụ, tập trung đất đai. Vấn đề này đã được bàn đến tại nhiều hội nghị lớn và thực tế đã có nhiều mô hình tập trung đất đai chứng minh tính hiệu quả. Đây là sự “cởi trói” cho những tồn tại của nông nghiệp hiện nay, là điều kiện để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Song, đó chưa phải là tất cả. Sẽ còn rất nhiều điều khác phải thay đổi theo. Đó là việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sản xuất có tầm chiến lược; phải tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường; phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm để xây dựng thương hiệu nông sản. Bên cạnh đó là những “cú hích” từ chính sách hỗ trợ vốn cho người sản xuất, xúc tiến thương mại…

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, nông nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong tổng thể sự phát triển chung của đất nước, cũng như hội nhập với kinh tế thế giới. Chủ trương tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, XII.

Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Chính phủ đã quyết định dành gói hỗ trợ tín dụng trị giá 100.000 tỷ đồng để phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là động lực quan trọng để thực hiện lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam vốn đang phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, tập quán canh tác lạc hậu. Tại Hà Nội, sau dồn điền đổi thửa cũng đã hình thành những vùng chuyên canh lớn cho hiệu quả kinh tế, mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng là trọng tâm được lựa chọn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Thay đổi toàn diện nền nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, và cũng để nông sản Việt Nam ngày một khẳng định được vị thế vững vàng hơn.

Minh Thúy