Vẫn trông vào nữ kình ngư Ánh Viên

Thể thao - Ngày đăng : 07:30, 27/11/2016

(HNM) - Việc đội tuyển bơi Việt Nam giành được 1 HCV, 3 HCĐ tại Giải Bơi vô địch Châu Á 2016 vừa qua đã tạo nên cột mốc mới cho bơi Việt Nam. Lần đầu tiên trong các lần tham dự Giải Bơi vô địch Châu Á, đội tuyển giành được nhiều huy chương đến vậy, trong đó có cả HCV.

Kình ngư Ánh Viên thi đấu xuất sắc tại Giải vô địch Châu Á 2016.


Mục tiêu giành huy chương đã được đặt ra với kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tại Giải Bơi vô địch Châu Á 2016, dù quá trình chuẩn bị của cô bị ảnh hưởng bởi một số "chuyện bên lề", nhất là chuyện cô không tham dự Giải Bơi vô địch quốc gia 2016. Nguyên nhân của việc rút lui này không đến từ Ánh Viên nhưng lại đưa cô vào những luồng thông tin qua lại trên các phương tiện truyền thông - điều mà cô chưa từng vấp phải. Chỉ khi Ánh Viên sang Nhật Bản chuẩn bị cho Giải Bơi vô địch Châu Á 2016 thì câu chuyện trên mới khép lại, nhưng giới chuyên môn vẫn lo rằng những ì xèo không đáng có sẽ khiến cô gái này khó hoàn thành mục tiêu giành huy chương. Cuối cùng, kình ngư nữ số 1 Việt Nam đã tạo nên thành tích đáng chú ý khi giành 1 HCV, 3 HCĐ, trong đó tấm HCV ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ được coi là cột mốc lịch sử với bơi Việt Nam. Quan trọng là cô gái người Cần Thơ này vẫn giữ được phong độ, đạt được điểm rơi vào thời điểm quan trọng nhất.

Thành tích của Ánh Viên phản ánh rõ chất lượng của chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ vừa qua dưới sự huấn luyện của các chuyên gia Mỹ và sự quản lý của HLV Đặng Anh Tuấn. Một lần nữa, cách đầu tư dài hạn dành cho những VĐV trọng điểm đã phát huy tác dụng. Ở đó là câu chuyện đầu tư từ năm này sang năm khác chứ không như một số bộ môn, trong đó có điền kinh, cũng đưa VĐV đến tập huấn tại Mỹ nhưng không mang tính dài hơi. VĐV chỉ tập chưa đầy năm, chưa hết chu trình huấn luyện của các chuyên gia Mỹ thì đã phải trở về nước vì... hết kinh phí.

Ngoài Ánh Viên, ở giải nói trên, đội tuyển bơi Việt Nam trông chờ các kình ngư nam sẽ tạo nên bất ngờ. Nhưng cả ba kình ngư nam tốt nhất Việt Nam hiện nay là Lê Nguyễn Paul, Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật cũng chỉ vào đến vòng chung kết và không thể giành huy chương. Dù sao, đó cũng là thành tích chấp nhận được trong bối cảnh nhiều kình ngư nam ở châu lục đã đạt đến tầm thế giới.

Thời gian qua, bơi Việt Nam cũng giới thiệu được một gương mặt trẻ triển vọng khác là Vũ Thị Phương Anh. Kình ngư trẻ này thi đấu bằng nguồn kinh phí từ TP Hồ Chí Minh, lọt vào chung kết một số nội dung tại Giải Bơi Châu Á vừa qua, gây bất ngờ không nhỏ cho giới chuyên môn. Ngoài Phương Anh, bơi lội TP Hồ Chí Minh còn có Nguyễn Diệp Phương Trâm đang tập huấn dài hạn ở Mỹ. Như thế, bơi Việt Nam còn nhiều tiềm năng ở trên đường bơi nữ, điều giúp nhà quản lý không chỉ tính đến các mục tiêu ở SEA Games mà còn có thể hướng đến mục tiêu huy chương ở các giải đấu cấp châu lục.

Đáng tiếc, trong guồng quay mạnh mẽ của bơi Việt Nam ở các giải đấu quốc tế, các kình ngư Hà Nội vẫn chưa thể góp tên sau nhiều năm nỗ lực gây dựng lại các tuyến trẻ. Đó cũng là điều đáng suy nghĩ cho bơi Hà Nội, từng một thời đứng đầu quốc gia.

Minh Quang