Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có ngay một cơ chế thích hợp?

THANHNGA| 05/08/2003 16:55

Thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trên mọi lĩnh vực là một việc làm rất cần thiết và đã thu hút  được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành ở Hà Nội.  Vừa qua, UBND TP Hà Nội và Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội đã hoàn thành hai dự thảo về:

Nghệ thuật đang cần có rất nhiều tài năng trẻ

Thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trên mọi lĩnh vực là một việc làm rất cần thiết và đã thu hútđược sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành ở Hà Nội.  Vừa qua, UBND TP Hà Nội và Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội đã hoàn thành hai dự thảo về: "Thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ nghệ thuật", và "ưu đãi, khuyến khích các tài năng nghệ thuật trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá Thủ đô".

Đây có thể coi như những khởi động đầu tiên của thành phố về vấn đề này dẫu mới chỉ  trong lĩnh vực nghệ thuật. Dự kiến đề án sẽ được thực thi vào tháng 10/2003, vànhững ý kiến đóng góp cho nó vẫn đang tiếp tục.


Ông Phan Đăng Long - Quyền Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội (người trực tiếp soạn thảo hai dự thảo trên)


Dự thảo này là do UBND TP đề xuất. Chúng tôi chưa thể đưa ra thời điểm chính xác để đưa hai dự thảo này vào thực thi. Chúng tôi sẽ còn phải họp 2 buổi nữa để góp ý thêm để sửa đổi cho dự thảo hợp lý và khả thi hơn, và cũng để tranh thủ sự giúp đỡ của một số ngành. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng đưa dự thảo này vào thực thi khoảng tháng 10 năm nay.


Theo dự thảo, nhiều nghệ sĩ sẽ được cấp 1 triệu đồng mỗi tháng, nghệ sĩ vừa được phong NSND sẽ được thưởng 10 triệu đồng và tăng 2 bậc lương hoặc được hỗ trợ một khoản tiền bằng 30 lần tiền lương khi bảo vệ luận án cao học... cùng nhiều hình thức khuyến khích khác.


Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn không biết việc lựa chọn đối tượng hưởng ưu đãi có được công bằng không? Đương nhiên, khi đưa vào bình chọn, bình xét thì đều có khó khăn cả, có điều phải cân nhắc sao cho công bằng. Chắc sẽ có một vài trường hợp khó mà công bằng được khi chẳng may trong Hội đồng xét duyệt có ông giám khảo này, ông giám khảo kia có người thân quen, hoặc được gửi gắm gì đó. Những chuyện như vậy khó có thể lường được. Theo nguyên tắc, chúng tôi sẽ cố gắng sao cho những chuyện như vậy không xảy ra. Nếu có xảy ra thì cũng là cuộc sống, biết làm sao được!


Thế nhưng quan trọng đây là một bước tiến mới trong việc ưu đãi và "trẻ hoá" tài năng nghệ thuật.


Cảnh trong vở "Rừng trúc"

Ông Văn Sử - Trưởng phòng Nghệ thuật (Cục NTBD)


Sắp tới những tài năng sân khấu trẻ sẽ có dịp hội ngộ trong "Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu toàn quốc". Mục tiêu lớn nhất của cuộc thi là để có dịp đánh giá lại về đội ngũ những diễn viên trẻ - lực lượng kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu.

Từ đó các cơ quan quản lý, các đơn vị nghệ thuật có cơ sở để tự điều chỉnh cũng như đưa ra những phương án phát triển của mình cũng như sự đào tạo cho hợp lý. Đã 5 năm rồi, kể từ đợt thi năm 1998 đây là dịp để các đơn vị nhìn lại mình đã làm được những gì, dàn dựng được bao nhiêu tiết mục, chất lượng nghệ thuật như thế nào...


Hiện có khoảng 75 đơn vị nghệ thuật cả nước tham gia với rất nhiều thể loại sân khấu như chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, kịch hát dân ca và cả dân ca Khmer.


Tôi nghĩ rằng việc thu hút sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ nghệ thuật cùng sự ưu đãi, khuyến khích các tài năng đó tham gia cống hiến, xây dựng, phát triển văn hoá thủ đô mà Hà Nội đang tiến hành là một việc làm cần thiết và lâu dài. Nhưng muốn vậy, cần phải tạo thêm rất nhiều cơ hội cho những tài năng đó có điều kiện bộc lộ - Cuộc thi tài năng sân khấu trẻ toàn quốc mà Cục NTBD sắp tổ chức chính là một cơ hội.

Nhà tạo mẫu Ngân An

Tôi ủng hộ cho việc ra đời 2 dự thảo mới này. Thu hút, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ không chỉ cần riêng cho ngành nghề, lĩnh vực nào mà cần thiết cho toàn xã hội. Xã hội ta đang trên con đường phát triển nên việc đầu tư vào thế hệ trẻ, khuyến khích tài năng của họ lúc này đây là một việc làm vô cùng cấp thiết. Trong nghệ thuật cũng vậy.

Thế hệ trẻ là những người có nhiều khát vọng lớn, họ có sức mạnh của tuổi trẻ, họ cũng là những người dám xông pha, dám thử sức mình. Chính vì vậy cần phải biết cách thu hút những người trẻ tuổi và cần bồi dưỡng cho tài năng của họ.

Dự thảo ưu đãi, khuyến khích các tài năng nghệ thuật trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô cũng là một dự thảo đáng hoan nghênh. Nhiều người đã có cống hiến cho nghệ thuật, nên họ cần phải được hưởng những ưu đãi xứng đáng với công sức của họ. Họ cũng chính là những người sẽ giúp các bạn trẻ có được những thành công trong tương lai, sẽ là những người dìu dắt thế hệ trẻ. Chúng ta có chế độ tốt cho những người đã có nhiều công trong nghệ thuật cũng là một hình thức khuyến khích họ tiếp tục cống hiến cho thủ đô, mà nói rộng hơn là cho nền nghệ thuật nước nhà.

Tôi mong rằng hai dự thảo này sẽ sớm được đưa vào thực thi. 

Giáo sư âm nhạc Bùi Gia Tường

Vấn đề phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo tài năng được đặt ra ở nước ta từ nhiều năm nay, thậm chí ở tầng "quốc sách". Vì vậy đó là những điều không mới mẻ gì.

Bởi thế những dự án mà Hà nội đang làm không gây ra một sự ngạc nhiên nào bởi lẽ ra việc này phải thủ đô đặt ra từ lâu rồi mới phải.

Mặc dù vậy, dư luận vẫn rất phấn khởi khi Sở VHTT Hà nội đã chủ động xây dựng đề án nhằm tìm kiếm và sử dụng tài năng một cách hiệu quả nhất cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Điều duy nhất băn khoăn là tính khả thi của đề án này rồi sẽ ra sao. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” điều đó đã được ghi ở Văn Miếu Quốc tử giám và hy vọng rằng nhân tài là động lực phát triển thủ đô mai này sẽ trở thành câu khẩu hiệu của ngành VHTT Hà nội.

Trở lại chủ đề cần bàn tôi thấy mọi cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúng ta từ cao nhất trở xuống đều thấu suốt quan điểm này và ra những chủ trương rất cụ thể - vậy thì tại sao những hiệu quả thật sự cho đến giờ phút này vẫn chưa được như ý muốn?

Theo tôi có mấy nguyên nhân sau:
1.Cách hiểu phiến diện vừa máy móc vừa đơn giản về việc đào tạo bồi dưỡng nhân tài khi cho rằng cứ đãi ngộ nhiều là có nhiều hân tài. Điều này không sai nhưng chưa đầy đủ. Ngoài việc cần có một cơ chế đãi ngộ xứng đáng việc phát hiện bồi dưỡng tài năng cần có một cơ sở nền tảng thống nhất và các tiêu chí thông nhất từ trung ương đến điạ phương. Tiêu chí phải thật khoa học, tránh những bình bầu kiểu mặt trận và cảm tính. Phát hiện rồi, đào tạo thế nào, cọ sát ra sao cũng là rất hiều chuyện phải bàn một cách thật khoa học.

2.Thiếu những điều kiện vươn tới những đỉnh cao
Với âm nhạc là các kỳ thi công - cua quốc tế, với mỹ thuật là cơ chế triển lãm tranh tại nước ngoài, với balê là việc được làm việc học tập tại cái trung tâm của thế giới. Với sân khấu là các vở cổ điển và các vai mẫu… Tất cả những điều đó Hà nội hiện đang thiếu và còn rất thiếu.

Cũng từ đó tôi mạo muội đề nghị 3 điều:
1.Nên chăng ở mỗi đơn vị nghệ thuật, đơn vị đào tạo có một tổ chức, 1 phòng ban chuyên trách về việc phát hiện đào tạo tài năng được phân bổ kinh phí ưu đãi để tạo ra các đọi tuyển như kiểu giáo dục đang làm (trường chuyên, lớp chọn) để từ đó sàng lọc và tạo điều kiện cho tài năng thật sự phát triển.

2.Hà nội nên có một quỹ tài năng với nguồn vốn ngân sách cấp và hỗ trợ xã hội để chi phí cho các trường hợp đặc biệt. Quỹ này cần phải được thống nhất từ cấp cao nhất, do chính phủ thành phố làm giám đốc quỹ.
3.Cần có một kế hoạch tổng thể với từng giai đoạn cho việc đào tạo tài năng, với những tiêu chuẩn thật khoa học, do những nhà khoa học uy tín và tâm huyết thực hiện, và có cơ chế làm việc cũng như kinh phí cho từng giai đoạn. Hy vọng rằng Hà nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến sẽ là nơi đi đầu trong công việc lớn lao cũng để cả nước noi theo.

Nhà viết kịch Hoài Giao

Những đề án của Sở VHTT là một tin vui với mọi thành viên của đại gia đình nghệ thuật. Trong phần ý k iến nhỏ này, tôi chỉ xin đề cập đến một điều: Đó là làm thế nào để Hà nội ngày càng có thêm nhiều nhà viết kịch tài năng.

Có thể những ý kiến khác nhau về việc bồi dưỡng, phát hiện và đào tạo tài năng viết kịch. Sẽ có người ngờ vực chuyện này bởi viết lách là cuyện thiên bẩm, là trời phú, là đặc biệt bị quy định bởi vô số ngẫu nhiên chứ làm sao quy hoạch mà có nổi. Họ sẽ dẫn chứng ra Secxpia, Molie, Íp xen, Gô gôn… thậm chí kể cả các tác giả khuyết danh ở chèo cổ, tuồng cổ để minh chứng. Cũng sẽ lại có ý kiến nói rằng nếu không có phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ nhiều tài năng có thể bị thui chột và những nhà bảo trợ đó từ xưa đã có rồi, như: Đường Minh Hoàng với Lý Bạch, vua Lui với Molie, Tự Đức cùng Đào Tấn…

Qủa là để tạo ra những tài năng viết kịch không dễ dàng gì nhưng điều đó không có nghĩa là việc quy hoạch, vạch lối, tạo cơ chết tìm kiếm, bồi dưỡng, phát triển lại không cần. Hàng năm, các Hội Sân khấu vẫn mở trại, vẫn đầu tư viết kịch bản với số tiền tuy không lớn song cũng đủ để thấy sự mong muốn tìm kiếm tác phẩm tốt, tác giả tài năng của các cấp lãnh đạo. Song làm theo kiểu kỳ cuộc ấy, hiệu quả rất thấp. Việc đưa ra một chính sách một kế hoạch cụ thể và lâu dài có thể sẽ có hiệu quả lớn hơn. Điều quan trọng nhất là ngoài tầm nhìn xa cần phải có mọt tấm lòng rộng mở. Điều này không thể cứ lên kế hoạch là có được.

Đạo diễn Hoàng Anh (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh HN)

Việc tìm kiếm người tài có thể coi như việc thăm dò kiếm tìm quặng quý. Để có được một viên đá đỏ, có thể phải đào bới cả hang núi, có được chút vàng phải gạn đãi cả dòng suối. Song dẫu khó thế việc tìm kiếm ấy cũng có một tỷ lệ, tìm người tài không thể biết và không thể có bất kỳ một tỷ lệ nào.

Một đạo diễn Liên Xô (cũ) đã từng có một cuộc tuyển chọn nổi tiến. Để lấy 20 học sinh, ông đã nhận 2000 thí sinh. Cuộc tuyển chọn trực tiếp ấy kéo dài mấy tháng trời. Kết quả ông chỉ nhận có 10 em (!)

Đó là một ví dụ hay, song cũng chưa phải làm cách đó đã thực sự tìm được tài năng. Ngoài ý nghĩa khoa học của thuật ngữ này, còn ý nghĩa tâm lý. Tà năng - nhất là tài năng nghệ thuật với mỗi người chẳng mấy khi giống nhau hoàn toàn.

Song không phải vì thế mà không đề ra một kế hoạch, định ra một cơ cế, thống nhất một khung tiêu chuẩn cho việc tìm kiếm và đào tạo tài năng. Bên sự phức tạp của nhận thức bắt buộc phải có điểm gặp của chân lý để từ đó có thể thống nhất: tài năng là gì?

Điều chính tôi đang lo ngại hiện nay là ngời tuyển chọn có vẻ nhiều hơn, song số tài năng lại ngày càng ít đi. Tìn trạng sính bằng cấp, coi tấm bằng như cần câu cơm đã làm rối loạn mặt bằng tuyển sinh các trường Đại học. Với nghệ thuật gần đây cũng vậy. Học sinh vào trường ra trường rất nhiều vẫn không đủ cho các chương trình nghe nhìn và kết quả là các sản phẩm nghệ thuật ngày càng khiến khán giả thất vọng.

Tôi không biết các dự án của Sở VHTT Hà nội rồi sẽ phát triển ra sao. Nhưng nếu như trên mặt bằng nghệ thuật hiện nay để định ra một cơ chế phát triển tài năng có lẽ sẽ chỉ còn biết hướng vào đối tượng sắp hết tuổi làm việc mà thôi. Chúng ta thật khó chỉ ra những tài năng trẻ của sân khấu hiện tại ngay cả khi liên hoan tài năng sân khấu trẻ toàn quốc đang tới gần.

Nói điều đó để thấy rằng Dự án của Hà nội nên và rất cần bắt đầu từ khâu đào tạo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có ngay một cơ chế thích hợp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.