Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất chính sách đặc thù cho phát triển đô thị mới Hà Nội

HONGHAI| 16/08/2003 10:55

Hoàn thiện khung cơ chế, chính sách thuộc mọi lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, tạo nguồn vốn, quản lý đất đai, dân cư, giải phóng mặt bằng... đặc thù cho khu đô thị mới Hà Nội được coi là yêu cầu quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khổng lồ này. Với tổng diện tích lên tới 8.830ha (trong đó khu vực nam sông Hồng chiếm 840ha, khu vực bắc sông Hồng chiếm 7.900ha), kinh phí đầu tư dự kiến 30 tỷ USD, đây là một kế hoạch dài hơi của thành phố có thời gian thực hiện từ nay tới tận năm 2020...

KS Nikko Hà Nội.
Ảnh : H.H

Hoàn thiện khung cơ chế, chính sách thuộc mọi lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, tạo nguồn vốn, quản lý đất đai, dân cư, giải phóng mặt bằng... đặc thù cho khu đô thị mới Hà Nội được coi là yêu cầu quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khổng lồ này. 

Với tổng diện tích lên tới 8.830ha (trong đó khu vực nam sông Hồng chiếm 840ha, khu vực bắc sông Hồng chiếm 7.900ha), kinh phí đầu tư dự kiến 30 tỷ USD, đây là một kế hoạch dài hơi của thành phố có thời gian thực hiện từ nay tới tận năm 2020, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (tới năm 2010) sẽ phát triển 2.300ha (khu vực tây Hồ Tây khoảng 500ha và bắc sông Hồng 1.800ha). Quy hoạch của toàn bộ khu vực còn chưa được phê duyệt, song một số dự án thành phần hiện đang được triển khai, trong đó có dự án đã được khởi công như hạ tầng kỹ thuật Bắc Thăng Long- Vân Trì (tổng mức đầu tư 1.977 tỷ đồng); nhưng đa số đều đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Dự án quy hoạch chi tiết Đô thị mới tây Hồ Tây 1/2000 (dự kiến phê duyệt trong quý 3 năm 2003); dự án quy hoạch chi tiết khu vực bắc sông Hồng (đơn vị chưa lập xong nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết); dự án xây dựng các huyết mạch giao thông như đường 5 kéo dài và cầu Nhật Tân (dự kiến khởi công vào cuối năm nay), dự án xây nhà tái định cư phục vụ GPMB khu đô thị mới tây Hồ Tây (giao kế hoạch năm 2002, đến nay chưa thống nhất được về địa điểm); dự án hạ tầng kỹ thuật trục chính khu vực trung tâm đô thị tây Hồ Tây (giao kế hoạch năm 2003, chưa phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư)... 

Các chuyên gia Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ thực hiện các dự án nhìn chung là chậm. Để khắc phục, bên cạnh yêu cầu đổi mới phương pháp, trình tự lập quy hoạch chi tiết, rút ngắn thời gian phê duyệt để đảm bảo xác định, tổ chức cắm mốc giới ngay trên thực địa, lồng ghép các loại quy hoạch... cũng như cách thức trưng cầu ý kiến và tổ chức công bố quy hoạch, các quy định về hình thức đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư cần được coi là ưu tiên tiếp theo. Trong đó, khung chính sách nhằm khai thác tiềm năng về đất được đặc biệt chú trọng. Trong tuần đầu tháng 8, Thành phố vừa ban hành Quy định tạm thời về đấu giá quyền sử dụng đất (thay thế quy định cũ) được đánh giá là một thuận lợi quan trọng, nhưng vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Tiến độ thực hiện các dự án đấu giá đất còn chưa đáp ứng nhu cầu, mặt khác, do bị giằng xé giữa nhiều yêu cầu đầu tư  “vá víu” hệ thống cơ sở hạ tầng vốn còn nhiều bất cập hiện nay, lượng vốn tích luỹ để đầu tư phát triển khu đô thị mới Hà Nội chưa được là bao.  

Ngoài các hình thức đầu tư trực tiếp từ ngân sách, đầu tư BTO, BOT và BT, hình thức được đặc biệt nhấn mạnh là đổi đất lấy hạ tầng trên cơ sở xác định giá đất giao theo mục đích sử dụng mới của dự án được duyệt, phù hợp với giá chuyển nhượng thực tế QSD đất có cùng mục đích ở khu vực liền kề hoặc gần nhất, có tính đến chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất được giao và dự trù các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.  

Với mục tiêu xã hội hoá đầu tư, các chuyên gia đề nghị thành phố lựa chọn một số công trình cơ sở hạ tầng Thành phố đã đầu tư có khả năng tổ chức thu phí, thu hồi vốn để bán thương quyền khai thác cho các tổ chức, doanh nghiệp và phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu xây dựng thủ đô... Quy chế chủ đầu tư nước ngoài tham gia phát triển khu đô thị mới hiện đang trong giai đoạn hoàn chỉnh được hy vọng sẽ mở ra thêm “kênh” vốn mới.  

Một đòi hỏi xuất phát từ  thực tế triển khai hầu hết các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nhiều năm nay là hoàn thiện chính sách giải phóng mặt bằng. Ngoài công tác điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách chung, xét nhu cầu sử dụng đất của khu đô thị mới Hà Nội, hướng vận dụng (khu vực làng, xã và xã chuyển lên phường nhưng trong quy hoạch xây dựng) được đề nghị là áp dụng phương thức đền bù bằng đất đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, để người dân tự xây dựng theo quy hoạch; còn lại thống nhất đền bù bằng căn hộ chung cư cao tầng... 

Nguyệt Cầm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất chính sách đặc thù cho phát triển đô thị mới Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.