Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những "hướng dẫn viên du lịch nhí" H'Mông

TRONGQUANG| 07/10/2003 10:56

Đến dự lễ hội 100 năm SaPa, không ít người phải ngạc nhiên khi thấy một số em nhỏ người dân tộc H'Mông nói tiếng Anh khá thành thạo. Hoà vào đoàn người du lịch, chúng đi bán dạo những đồ thổ cẩm, làm dịch vụ “hướng dẫn viên” du lịch..., và tiếng Anh không biết tự bao giờ đã nghiễm nhiên trở thành phương tiện kiếm sống của các em.

Thực hành tiếng với khách nước ngoài. Ảnh : T.QĐến dự lễ hội 100 năm SaPa, không ít người phải ngạc nhiên khi thấy một số em nhỏ người dân tộc H'Mông nói tiếng Anh khá thành thạo. Hoà vào đoàn người Du lịch, chúng đi bán dạo những đồ thổ cẩm, làm dịch vụ “hướng dẫn viên” du lịch..., và tiếng Anh không biết tự bao giờ đã nghiễm nhiên trở thành phương tiện kiếm sống của các em.

“-Where are you from? Do you like this thing? It’s very cheap. Only ten thousand dong per one...”, - Đang mải theo đoàn người leo lên đỉnh Hàm Rồng, tôi bỗng bị chặn lại bởi 2 cô bé dân tộc người H'Mông nói tiếng Anh liến thoắng, và khá chuẩn về âm điệu. Hai đứa bé trạc 12 -13 tuổi trong trang phục dân tộc màu đen, nét mặt hồn nhiên chìa ra cho tôi những chiếc túi vải nhỏ, xanh, đỏ các màu, được thêu dệt rất khéo bởi bàn tay của những người phụ nữ H'Mông. Có lẽ nhìn thấy cách ăn mặc và đống đồ nghề máy ảnh trên người tôi, chúng đã tưởng lầm, nghĩ tôi là người Nhật hay Hàn Quốc gì đó. Tôi vội giải thích cho chúng rằng, tôi không phải người nước ngoài, mà là người Kinh chính hiệu, mới từ Hà Nội lên dự lễ hội 100 năm du lịch SaPa...

Hai cô bé toan bỏ đi thì tôi níu lại mua cho chúng 1 chiếc túi, lấy cớ tranh thủ hỏi thêm. Seo Tỷ (tên cô bé lớn) cho biết, mẹ em ở nhà làm nương, bố nghiện thuốc phiện, chẳng làm gì. Nhà nghèo nên em chưa học hết lớp 4 thì đã phải bỏ học để đi bán hàng dạo để kiếm sống và giúp gia đình. Hàng ngày em phải lội bộ cả chục cây số từ cuối bản Tả Phìn lên đây để bán hàng. Vốn không có, các em phải lấy hàng chịu của những người buôn bán lớn. Sáng sớm đến lấy hàng đi bán, chiều đem tiền về cho chủ để lấy tiền công. Mỗi ngày trung bình kiếm được từ 10 - 15 ngàn đồng. Hôm nào gặp may, được khách du lịch cho thêm tiền thì có khi được tới 30 - 40 ngàn đồng. Seo Mỷ mới đi theo chị được hơn 1 năm nay, nhưng bây giờ đã nghe, hiểu được tiếng Anh khá tốt. Cả hai chị em luôn đi với nhau từ sáng tới tối mịt mới về tới nhà. Có hôm muộn quá thì ăn, ngủ luôn ngoài chợ...

- Thế các cháu học tiếng Anh ở đâu?

- Chẳng học ở đâu cả, cứ đi theo những người “Tây” nghe họ nói rồi bắt chước theo họ mà. Nghe mãi rồi cũng quen dần, cũng có những người tốt, ngồi lại dạy thêm cho mình cái chữ mà...

Hai chị em Seo Tỷ. Ảnh : Trọng Quang
Như vậy các em chủ yếu học ngoại ngữ bằng phương pháp truyền khẩu, thông qua chính những người ngoại quốc sang Việt Nam lên SaPa du lịch. Chữ viết, văn phạm hầu như các em không biết, nhưng nghe và nói thì lại khá chuẩn. Trong khi tiếng Kinh nói chưa sõi, nhưng các em có thể đứng nói chuyện với người nước ngoài rất lâu bằng tiếng Anh mà không hề ấp úng. Đó chính là điều khiến ngay cả tôi (vốn đã từng là một giáo viên dạy ngoại ngữ) cũng phải tròn mắt ngạc nhiên.

Trẻ em người H'Mông học tiếng Anh không chỉ để đi bán dạo. Khá nhiều em có tiếng Anh tốt đã làm “guide” (hướng dẫn viên) du lịch rất hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Loan (người gốc Văn Chấn - Yên Bái), hiện là chủ nhà nghỉ Cat - Cat (SaPa) cho biết, một số em gái (không có trai) người H'Mông rất thông minh, có năng khiếu ngoại ngữ, nhập tâm nhanh và bắt chước âm điệu, ngữ điệu của người nước ngoài khá chuẩn. Ở SaPa này những em gái như vậy không nhiều, nhưng “rất có giá”, và có thu nhập cao. Bản thân nhà nghỉ của chị cũng phải thường xuyên thuê 3 em (tầm tuổi 20 - 21) như vậy cho việc đưa khách đi du lịch sinh thái xuống các bản làng người dân tộc. Các em không chỉ là người dẫn đường mà còn kiêm luôn cả vai “phiên dịch”. Điều đó đòi hỏi các em không chỉ có sức khoẻ, ngoại ngữ, mà còn phải có kiến thức, hiểu biết về cuộc sống, cũng như phong tục tập quán của các dân tộc sống ở SaPa. Cứ mỗi chuyến đi cho một đoàn khách nước ngoài, các em đuợc trả 60 - 70 ngàn đồng, đấy là chưa kể tiền “boa” thêm của khách...

Đang mải nói chuyện với Loan, bỗng có chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia chắc là một người nước ngoài, bởi tôi thấy cô chủ người Văn Chấn đang liến láu từng tràng tiếng Anh mượt mà và lưu loát đến ngạc nhiên. Đấy mới chỉ là thứ tiếng Anh tự học thêm để tiện giao dịch, làm ăn (như lời tự nhận khiêm tốn của Loan) trên xứ sở SaPa huyền ảo đầy tiềm năng du lịch này...

Quang Anh
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những "hướng dẫn viên du lịch nhí" H'Mông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.