Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Rèn một chữ nhẫn, giữ trọn chữ nhân"

ANHTHU| 26/06/2007 09:19

(HNM) - Đi tìm một câu chuyện, một gương mặt gia đình riêng cũng là để nói về những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình thủ đô và việc phát huy những giá trị ấy trong đời sống hiện đại. Câu chuyện về gia đình thầy thuốc nhân dân Vũ Trọng Kính và thầy thuốc ưu tú Lê Thị Bích Hoàn-một trong số 232 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của thành phố năm 2007 có thể cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý giá trong xây dựng một gia đình văn hóa.

Ngôi nhà nhỏ giản dị, có bóng mát cây xanh, cứ như chủ nhân đã cố giữ không khí của một Hà Nội mấy chục năm về trước, đặt nó trong một ngách nhỏ, không xa lắm mà lại như tách biệt với một con phố đẹp và sôi động bậc nhất Hà thành - phố Liễu Giai.

Vị chủ nhân gần 80 tuổi xuất hiện, thầy thuốc nhân dân Vũ Trọng Kính với phong thái điềm đạm, giọng nói nhẹ nhàng mà rất lôi cuốn người nghe. Trong câu chuyện lịch sử, chiến tranh, cách mạng…của ông, một cách tự nhiên talại cảm nhận được câu chuyện của một gia đình trí thức Hà Nội, có những nét đặc biệt nhưng luôn giữ vững gia đạo, gia phong. Ông cụ thân sinh của thầy thuốc Vũ Trọng Kính là cụ Vũ Đình Mấn, một nhà giáo, từng là Phó chủ tịch UB Hành chính kháng chiến Nam Định, rồi Giám đốc trường Cao đẳng Canh nông (ở Việt Bắc), Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội. Người trí thức thông thạo chữ Nho, tiếng Pháp ấy đã từng nêu lý do “Tôi là người Việt Nam, tôi còn gia đình, còn thờ cúng tổ tiên…” để từ chối lời mời “vào làng Tây” (nhập quốc tịch Pháp để được đi học đến trình độ cao nhất). Bà cụ thân sinh ra ông mất sớm nhưng hình ảnh người mẹ kế theo lời ông “Mẹ kế cũng như mẹ tôi đều là những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa, ít nói, chỉn chu việc nội trợ, gia đình, giữ gìn sự hòa thuận trong nhà”.

Ảnh hưởng nhiều từ giáo dục của người cha, ông nói: “Ba tôi nói ít nhưng thấm”.Đó là “Học hành hay làm gì cũng phải là người tử tế”. ít thuyết giáo, và khiêm tốn trong cư xử, lối sống cũng là bài học mà ông thấm nhuần từ thủa bé. Chính vì thế ông thường nói về công lao của người khác, đóng góp của người khác mà thường ngại khi phải nói về mình.Được chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc với hai con trai đều thành đạt, là trí thức (theo ngành toán) và phục vụ trong quân đội, các cháu đều là học sinh giỏi…, nhưng ông chỉ người vợ “Phải nói đến cô này này!”. “Cô này” là bà Lê Thị Bích Hoàn, người con gái xứ Huế sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo mẫu mực. Bà là người con dâu được gia đình nhà chồng nói ngắn gọn với hai câu thơ trong Chinh phụ ngâm “Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam/ Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân” (trong những ngày chồng phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam thì thay chồng hiếu nghĩa làm tròn phận con trai với gia đình chồng và tận tụy dạy con học tập, thay chồng làm cha).

Công lao trong gia đình là nhờ vợ, và công lao để mình có được ngày hôm nay, ông một mực nói :”Đó là công rèn rũa của Đảng, quân đội. Và giờ đây, những gì tôi làm được cũng là nhờ có tập thể tốt, chi bộ tốt của tổ dân phố 64, khu dân cư số 8, phường Liễu Giai này”. Đức tính khiêm tốn và cách suy nghĩ của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các con cháu. Bà bảo xem ti vi mới biết con mình là “Tổng giám đốc chi đó” chứ không phải là “người phụ trách” chung chung như nó nói. Còn ông thì lắc đầu: hỏi các cháu chuyện học hành phải hỏi thật cụ thể nó mới nói, khen thì nó chỉ “dạ”, “vâng” rồi chạy mất…

Nhưng đã nói về gia đình là nói về những khó khăn, sóng gió - như khẳng định của một chuyên gia về lĩnh vực này. Xã hội hiện đại lại càng nhiều áp lực, làm sao để cái “gia đình bé mọn” đừng bị xô đẩy tới cái chỗ bất hòa, chia rẽ? Ông bà chia sẻ: “Các cụ ngày xưa đã dạy: phải giữ lấy chữ nhẫn, nhẫn là kiên nhẫn, nhẫn nhịn để căng thẳng qua đi. Ngay lúc ấy có thể chưa hiểu nhau. Nhưng sau đó khi mọi thứ lắng xuống, mỗi người sẽ tự thấm thía thấy cái đúng sai trong cư xử…”. Rồi vị chủ nhà gần 80 ấy hóm hỉnh nói: “ấy, thi thoảng vì tôi ngễnh ngãng nên cũng làm cô ấy bực mình đấy!”.

Mai Thi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Rèn một chữ nhẫn, giữ trọn chữ nhân"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.