Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khúc hát trữ tình

Nguyễn Ngọc Quỳnh| 19/09/2010 06:34

Thời gian khó


Nghệ sĩ Khắc Huề xuất thân trong một gia đình nghệ thuật, cung cấp cho đất nước những tài năng âm nhạc. Riêng cây violon đã có 11 người chơi, hiện còn đang làm việc, biểu diễn trong nước, ở Anh, Hoa Kỳ, Đức… Năm 16 tuổi, anh độc tấu violon bản nhạc “Đường về thôn” của nhạc sĩ Đào Việt Hưng cho Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh.

Nghệ sĩ Ưu tú Khắc Huề.

Năm 1968, đang chiến tranh, Khắc Huề dẫn đoàn nghệ thuật xung kích của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vào tuyến lửa. Cầu Hiền Lương, Quảng Trị, khi đó là giới tuyến quân sự ngăn cách hai miền Nam - Bắc. Tiếng đàn của anh bay qua dòng sông chia cắt, vang vọng tới đồng bào phía Nam yêu dấu. Bị máy bay trinh sát L19 của địch phát hiện, rồi bom đạn cấp tập dội xuống, cả đoàn phải xuống địa đạo trú ẩn. Không may, hộp đựng đàn của anh dính mảnh bom, cây violon thân yêu chỉ còn lại một dây. Đấy cũng là thời khắc có người lính bị thương rất nặng khó qua khỏi. Theo yêu cầu của người thương binh ấy, Khắc Huề đã tấu trọn bài “Câu hò bên bến Hiền Lương” trên cây đàn còn duy nhất sợi dây nọ.

Năm 1975, Khắc Huề đang công tác và giảng dạy trên Mèo Vạc, huyện thuộc vùng cao nguyên đá của tỉnh miền núi Hà Giang, thì tin miền Nam hoàn toàn giải phóng lan tới. Lại lên đường xuôi Nam, lệnh biểu diễn tại thành phố Sài Gòn mới tiếp quản. Nhạc cổ điển còn là một của hiếm. Những người dân vùng mới giải phóng đã ngạc nhiên rồi ngây ngất nghe Khắc Huề cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình tấu bản conserto của Mendelson.

Là nhạc công tài năng, có phong cách trình tấu bay bướm, Khắc Huề luôn muốn tới những nơi xa xôi phục vụ những con người ít được hưởng thụ văn hóa. Hơn thế, là những người có số phận thiệt thòi. Trong hai năm 1985, 1986, anh ba lần tự nguyện đưa đoàn nghệ thuật xung kích vào trại phong Quy Hòa, Bình Định theo lời mời của Hội Chữ thập đỏ và tổ chức nhân đạo Quy Nhơn. Khỏi phải nói nhiều đến tâm trạng người phục vụ. “Trại hủi”, chỉ nghe nói đến đã đủ rùng mình. Không ít nghệ sĩ đắn đo, do dự khi quyết định lên đường hay ở lại. Khắc Huề cũng là con người bình thường, có mặc cảm, thành kiến như ai. Lần đầu tiếp xúc không khỏi ghê sợ. Người bệnh gầy gò hay bình thường, vì những con vi rút mang bệnh mà máu không đến nuôi được tế bào, cứ thế ngón chân, tay, đầu gối, khớp khuỷu rụng dần. Cố gắng vượt qua cảm giác ban đầu, anh cùng bạn diễn trình tấu cho những người bệnh. Tiếng đàn violon của anh réo rắt, lay động như cùng chia sẻ nỗi niềm của họ. Những chuyến đi vào trại phong Quy Hòa khắc vào tâm khảm người nghệ sĩ những ấn tượng không thể nào quên.

Khúc hát trữ tình

Đi biểu diễn phục vụ, nhận những đồng tiền, vật phẩm ít ỏi thời đó đã là khoản thu nhập quý giá với những con người sống vì nghệ thuật, xa lạ với thương trường bắt đầu rầm rập. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng được hưởng nhiều chủ trương cởi mở. Thay đổi cách thức phục vụ, không phải chỉ tuyên truyền, giáo dục mà còn lấy thu bù chi, nhiều đoàn nghệ thuật thay đổi cả phong cách biểu diễn. Trong cuộc tìm tòi này, không ít đơn vị nghệ thuật có truyền thống nức tiếng lâm vào bĩ cực, tiến thoái lưỡng nan. Có đoàn không nuôi được diễn viên, phải giải thể, nếu không lại tách nhập, không giữ được sở trường nghệ thuật.

Tìm tòi luôn luôn, không phải chỉ trong tiếng đàn, mà cả cách thức tổ chức. Đến với công chúng, tự nuôi bản thân. Đấy là những điều Khắc Huề trăn trở trong giai đoạn mới. Và nó hé lộ ra cái khả năng tổ chức của anh. Đi tới những cơ quan, gặp gỡ các cá nhân… tìm sự thông cảm, giúp đỡ, anh ra mắt chương trình âm nhạc “Khúc hát trữ tình” ở 51 Trần Hưng Đạo. Đây là trụ sở của Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, với nhiều hội chuyên ngành, dĩ nhiên có nhiều ý nghĩa. Càng sâu sắc, thú vị với những gì mà ngôi biệt thự này đã “trải qua”. Được xây dựng đầu thế kỷ trước, năm 1945, cố vấn Vĩnh Thụy (Bảo Đại) của Chính phủ lâm thời đã ở đây. Sân trước có hai cây long não cổ thụ, sân sau có cây si gần trăm tuổi, đều đã in dấu chân các bậc “tiên liệt” trong làng văn nghệ: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Cao… Sau này, Giáng Hương, Trần Khánh Chương, Trọng Bằng…, “thủ lĩnh” của các hội văn nghệ lại lấy đây làm trụ sở. Đấy là một không gian vừa có truyền thống lịch sử, vừa chuyên nghiệp.

Ngày 10 tháng 3 năm 1988 là ngày đầu tiên chương trình “Khúc hát trữ tình” ra mắt. Ngay hôm đó, Khắc Huề đã phải tổ chức tới bốn buổi diễn để đáp lại phần nào sức yêu cầu. Người xem đứng chen nhau ở cả tiền sảnh ngoài hội trường vỗ tay rầm rầm. Không phải chỉ lo lắng mọi mặt, nào khán phòng, nhạc phẩm, nào chọn lựa ca sĩ cho hợp nguyện vọng khán giả, anh còn chơi violon, dẫn dắt chương trình từ đầu đến cuối, khoảng hai giờ đồng hồ. Đêm hè mà đông chật, cả khách nước ngoài, chả ai bỏ. Đến nỗi sau này thành quen, có người Việt kiều thổ lộ “Về Hà Nội đi thăm bảo tàng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ăn bánh tôm hồ Tây, thăm cầu Thê Húc và phải đến nghe “Khúc hát trữ tình” mới đầy đủ không khí Hà Nội”.

Thời gian đầu, ấn tượng các đêm nhạc mang tới là trữ tình, khá “bán cổ điển”, với không gian tĩnh lặng, âm thanh nhỏ nhẹ, ánh sáng đơn giản, thêm vài cây nến mờ ảo. Hằng đêm hằng đêm, khúc Serenade bất hủ của thiên tài Schubert mở đầu chương trình như một lời khuyến dụ khán giả hãy lắng tâm thả hồn vào âm nhạc thiêng liêng. Rồi đến những tình khúc về Hà Nội, về tâm trạng con người một thuở, những ca khúc nổi tiếng thế giới. Thể hiện là các giọng ca đã thành danh, được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ: Tường Vi, Lê Dung, Thanh Hoa, Trần Hiếu, Quang Thọ, Dương Minh Đức, Quốc Đông, Thanh Hiếu, tài tử Ngọc Bảo, các ca sĩ lứa sau như Tấn Minh, Trọng Tấn, Lan Anh, Trần Thu Hà, Văn Giáp, Trung Anh, Trọng Thủy, hay Đức Long, Minh Huyền, Thúy Hoa, Quỳnh Hoa, Tuyết Tuyết, Ngọc Quy… Người Hà Nội, Hướng về Hà Nội, Hà Nội vắng cơn mưa, Hà Nội mùa thu - nghĩa là rất nhiều “Hà Nội”, và Làng tôi, Ngày về, Dư âm… được thể hiện cùng cây violon, guitare, piano giản dị mà sang trọng.

Đây Ô Chợ Dừa kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm… Những đôi mắt nào, quanh co, chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào ríu rít, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…

Cho tới nay, đã 23 năm, “Khúc hát trữ tình” vẫn như vườn ươm mầm, là sân chơi cho các nghệ sĩ, ca sĩ. Công chúng yêu phong cách nghệ thuật nhẹ nhàng như hương hoa sữa, thắm đậm như hương cốm Vòng, thơm mát như chè sen gợi nhớ sự thanh lịch, tao nhã tìm được ở đây một chốn riêng cho mình. Kể ra cũng ít có chương trình nghệ thuật nào có sức sống bền bỉ, mãnh liệt như thế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khúc hát trữ tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.