Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch hóa để phát triển bền vững

Bài, ảnh: NGUYỄN LÊ| 28/01/2019 08:47

(HNM) - Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh vừa trải qua một năm không mấy suôn sẻ.

Vốn ngoại tạo sinh khí mới

Đầu năm 2019 cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua nhà để ở của người dân tại TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu tăng trở lại. Anh Phạm Văn Thành (số 134, Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7) mong mỏi: “Bản thân tôi đang sống với bố mẹ, đã lập gia đình nên rất muốn mua một căn hộ để có "tổ ấm" riêng. Tôi hy vọng, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bất động sản để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, đặc biệt là giá sẽ hợp lý hơn”.

TP Hồ Chí Minh sẽ quản lý thị trường bất động sản theo hướng công khai, minh bạch.


Thời gian qua, nhiều khu đất hoang, đầm lầy ở khu vực phía Đông và Nam TP Hồ Chí Minh đã và đang được thay thế bằng những dự án bất động sản lớn, có vốn đầu tư từ hàng chục triệu đến hàng tỷ USD. Đơn cử, tại khu vực phía Đông, mới đây Tập đoàn CapitaLand đến từ Singapore đã mua một dự án tại quận 2 trị giá 1.380 tỷ đồng để thực hiện dự án nhà ở có tổng diện tích đất hơn 60.000m2. Còn tại khu Nam, nhà đầu tư GS E&C đến từ Hàn Quốc vừa triển khai dự án GS Metrocity (huyện Nhà Bè) với tổng diện tích lên tới gần 350ha.

Năm 2018, TP Hồ Chí Minh thu hút được 7,39 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm hơn 17%. Đặc biệt, đối với phần vốn điều chỉnh tăng và phần góp vốn, mua cổ phần thì lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm tới gần 41%. Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng (Công ty TNHH Savills Việt Nam), năm 2019, nguồn vốn ngoại hứa hẹn tiếp tục chảy mạnh hơn vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), thành phố sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó có thị trường bất động sản.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng, nguồn vốn từ nước ngoài vào trong bối cảnh nguồn tín dụng của ngân hàng dành cho bất động sản bị siết lại là tín hiệu khả quan, đem lại sinh khí mới cho thị trường bất động sản sau một thời gian trầm lắng. Nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng “ăn chắc, mặc bền”. Họ đầu tư dự án phải bảo đảm tính khả thi, nghiên cứu thị trường rất bài bản. Do vậy, tính ổn định và tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư này thường cao hơn các doanh nghiệp trong nước.

Công khai thông tin dự án

Nếu như 10 trước (năm 2009), thị trường bất động sản đổ vỡ do giá bán và lãi suất ngân hàng đều bị đẩy lên quá cao, thì năm 2019 thị trường này lại đứng trước cơ hội và thách thức đan xen. Cơ hội thể hiện rõ nhất là thị trường đã nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài. Điều này giúp thị trường tiến dần đến cạnh tranh sòng phẳng, đem lại nhiều cơ hội cho người tiêu dùng. Trong khi đó, thách thức là vấn đề điều tiết để thị trường phát triển đúng hướng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển đô thị của thành phố và tạo sức bật tăng trưởng kinh tế.

Chính vì vậy, TP Hồ Chí Minh đang siết chặt công tác quản lý đất đai cũng như hoạt động kinh doanh bất động sản. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nguồn lực lớn nhất của thành phố là đất đai. Vì vậy, thành phố luôn hoan nghênh, chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát huy tối đa nguồn lực này. Để tạo sự công bằng, bình đẳng trong việc tiếp cận quỹ đất, thành phố sẽ tổ chức đấu giá theo quy định pháp luật. Với những khu đất công đã giao cho doanh nghiệp mà chưa qua đấu giá, thành phố sẽ tổ chức đấu giá lại để thu hồi tiền sử dụng đất theo đúng giá thị trường.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, việc TP Hồ Chí Minh siết chặt quản lý đất đai, công khai đấu giá sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn bởi sự minh bạch và công bằng. "Cuộc chơi sẽ hay hơn vì dựa trên nguyên tắc ai mạnh sẽ thắng. Doanh nghiệp có tài chính, có năng lực đương nhiên tiếp cận được quỹ đất để phát triển dự án. Lợi ích cuối cùng thuộc về người tiêu dùng", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định.

Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn đầu năm 2019 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, vấn đề công khai, minh bạch là kim chỉ nam giúp thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, bền vững. Đây cũng là công cụ để sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn gian dối, trục lợi. UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng công khai thông tin pháp lý các dự án, giúp người dân dễ dàng tìm hiểu, theo dõi quá trình triển khai.

Để đưa thị trường bất động sản phát triển ổn định trong thời gian tới, thành phố sẽ quản lý theo 3 nguyên tắc: Nhận diện các doanh nghiệp để chấp thuận chủ trương đầu tư; công khai các dự án đủ điều kiện mở bán; bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cơ sở tuân thủ pháp luật. “Doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án tuân thủ đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định pháp luật sẽ được bảo vệ hợp pháp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh doanh, thu hồi vốn”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hóa để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.