Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu thủ Việt đau đầu tìm hướng xuất ngoại

Tuyết Minh| 01/03/2020 08:08

(HNM) - Những năm gần đây, sau thành công của đội tuyển quốc gia trên đấu trường châu lục, những người hâm mộ được chứng kiến một làn sóng cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm, Văn Hậu. Tuy nhiên, đa số các cầu thủ đều không ghi được dấu ấn khiến lãnh đạo các câu lạc bộ trong nước phải đau đầu tìm hướng đi cho các cầu thủ này.

Năm 2019, hai gương mặt sáng giá của bóng đá Việt Nam là Xuân Trường và Công Phượng xuất ngoại nhưng đều đã chia tay câu lạc bộ của mình trước thời hạn. Tiền vệ Xuân Trường chính thức nói lời chia tay Buriram United (Thái Lan) chỉ sau 4 tháng thử việc. Trong thời gian thi đấu tại Thái Lan, những gì anh làm được là 1 bàn thắng và 1 pha kiến tạo. Trước khi đến Thái Lan, Xuân Trường đã được Incheon United (Hàn Quốc) ký hợp đồng cho mượn 1 năm.

Còn Công Phượng được Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai cho Sint-Truiden (Bỉ) mượn một mùa bóng nhưng đã về nước trước khi kết thúc hợp đồng. Trước đó, cầu thủ này cũng được Hoàng Anh Gia Lai cho Incheon United (Hàn Quốc) mượn đến hết mùa, nhưng khi chia tay giải vô địch quốc gia Hàn Quốc (K.League), anh chỉ có 352 phút thi đấu, không ghi bàn nào. Công Phượng cũng từng khoác áo Mito Hollyhock (Nhật Bản), nhưng tiền đạo sinh năm 1995 không đóng góp bất kỳ bàn thắng cũng như pha kiến tạo nào.

Ở thời điểm hiện tại, chỉ còn thủ thành Văn Lâm đang thi đấu dưới màu áo của Muangthong United (Thái Lan) và Văn Hậu đang thi đấu cho Câu lạc bộ SC Heerenveen (Hà Lan). Thế nhưng, Văn Hậu cũng đang trong tình cảnh giống Công Phượng, Xuân Trường... Chỉ thủ môn Đặng Văn Lâm có lẽ tạm gọi là trường hợp xuất ngoại thành công ở thời điểm này của bóng đá Việt Nam. 

Nhận định về những lần xuất ngoại không thành công của các cầu thủ Việt, cựu huấn luyện viên Đoàn Minh Xương cho rằng, các câu lạc bộ nên có những bước chuẩn bị kỹ cho các cầu thủ. Ngoài ra, cần tìm hiểu về câu lạc bộ mà họ định đưa cầu thủ sang có phù hợp hay không để có quyết định chuẩn xác, không sẽ lãng phí tài năng. Hầu hết cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chưa bảo đảm các yếu tố thể lực, kỹ năng, khả năng tư duy và ngoại ngữ. Hay nói cách khác, trình độ các cầu thủ Việt mới đáp ứng với câu lạc bộ trong nước, chưa đủ đáp ứng yêu cầu cao của các câu lạc bộ nước ngoài.

Bình luận viên bóng đá Hà Quang Minh cho rằng: “Các câu lạc bộ cần có kế hoạch dài hơi, giúp các cầu thủ chuẩn bị kỹ năng từ việc học ngoại ngữ, rèn thể lực, kỹ thuật thi đấu tốt thì mới có cơ hội phát triển". 

Việc ra nước ngoài thi đấu nhưng lại phải ngồi trên ghế dự bị sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và cảm giác hụt hẫng của các cầu thủ. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu thi đấu ở nước ngoài mà phải ngồi ghế dự bị thì về nước thi đấu sẽ tốt hơn. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc được đến với một nền bóng đá có trình độ cao hơn rất nhiều so với giải vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) cũng là cơ hội rèn luyện của các cầu thủ. Họ cần có thời gian làm lại từ đầu để thích nghi với bến đỗ mới. Bóng đá không phải chỉ là việc ra sân mà còn rất nhiều yếu tố khác.

“Tôi không cho đó là thất bại của các cầu thủ, chỉ có điều các nhà quản lý cần có sự tính toán tốt hơn để các em thực sự được thi thố tài năng, chứ không phải xuất ngoại để chôn vùi những cơ hội”, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định. 

Đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có cầu thủ nào thực sự thành công khi xuất ngoại. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hướng đi phù hợp, những cầu thủ Việt xuất ngoại tiếp theo sẽ để lại nhiều dấu ấn hơn tại những giải bóng đá chuyên nghiệp, đỉnh cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu thủ Việt đau đầu tìm hướng xuất ngoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.