Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực mới phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái| 18/05/2022 11:29

(HNMO) - Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận. Thành phố cũng sẽ phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh; kết nối nội vùng; liên vùng và tập trung xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để tạo động lực mới phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh.

Đó là thông tin trong tham luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra sáng nay, 18-5.

Quang cảnh hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia phát triển đô thị

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, đến nay, Hà Nội đã cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã phê duyệt 8 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó có Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”; đồng thời, ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sau hơn 10 năm đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, Hà Nội đã huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình này. Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tham luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nêu rõ, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng phát triển cho Thủ đô Hà Nội đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là “Xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước; phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị”, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tập trung, nỗ lực phát triển Thủ đô trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển hệ thống đô thị vùng Thủ đô và toàn quốc, xây dựng Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Tập trung xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để tạo động lực phát triển đô thị

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố sẽ tập trung bám sát Nghị quyết số 15 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Luật Thủ đô nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Hà Nội trong việc xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, có chính sách đột phá và phân cấp triệt để để giải quyết các vấn đề liên quan tới kinh tế - xã hội, quy hoạch, phát triển đô thị... Đẩy nhanh việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng; triển khai các công tác, chương trình trọng điểm, trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng cho biết, thành phố sẽ tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách tổng thể, hiện đại. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng (như xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai: Quốc lộ 1A, quốc lộ 6, vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5...; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng…).

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự hội nghị.

Hà Nội cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung, tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển cho thành phố, tạo sức hút giãn mật độ dân cư ra ngoài khu vực trung tâm, từ đó, định hướng và phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có, đảm bảo mối liên kết vùng, tạo thuận lợi lan tỏa, kết nối, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.

Đặc biệt, thành phố tập trung phát triển các huyện lên quận; phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận. Nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía Nam của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu giao thông cửa ngõ, phát triển Vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn kiến nghị Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng... theo Luật Quy hoạch 2017, làm cơ sở để thành phố tổ chức triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị - nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Đồng thời, cho phép các thành phố trực thuộc Trung ương chỉ lập một bản quy hoạch cấp tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực mới phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.