Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấn chỉnh ngay những cán bộ đùn đẩy, sợ sai

Mai Hữu| 01/06/2023 07:08

(HNM) - Tại phiên thảo luận, trong khuôn khổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 31-5, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để tăng động lực cho cán bộ bên cạnh giải quyết tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần chấn chỉnh ngay tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển của đất nước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa):
Chấn chỉnh ngay lề lối làm việc

Tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở nhiều nơi đã gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp và người dân đã và đang khó khăn lại càng khó khăn hơn, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp vi phạm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân đã được Hiến pháp quy định.

Cần có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh):
Cần hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp

Cần phải làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn.

Mong Quốc hội xem xét để có được những cách làm, những trình tự, thủ tục phù hợp hơn nữa để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh để cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta tập trung sức lực, trí tuệ, năng động, sáng tạo, làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định của pháp luật.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum):
Nhiều cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm

Hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm xuất hiện từ lâu, đến nay dường như phức tạp hơn. Nguyên nhân có thể do thiếu trách nhiệm, nhưng cũng có những trường hợp là một bộ phận cán bộ có năng lực, trình độ hạn chế, việc nắm bắt các quy định của pháp luật có hạn nên làm việc gì cũng sợ, né tránh hoặc đùn đẩy... Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu. Cần tổng kết lại xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người cho “đứng sang một bên” khi không làm được việc.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam):
Tại sao nơi làm tốt, nơi lại làm chậm?

Đối với lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, dù trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế, có nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm. Qua trao đổi với cơ sở cho thấy, nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu khi vừa phải đúng quy định của pháp luật, vừa đúng chỉ đạo của cấp trên. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm, vì cán bộ không chịu tham mưu cũng khó xử lý được. Ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu trong quyết tâm, quyết liệt xử lý những người không làm được việc.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội):
Cần ưu tiên cho chính sách tiền lương

Tháng 10-2023, theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương. Chính sách tiền lương đúng đắn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng qua 4 lần cải cách tiền lương, thực tế mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.

Đề nghị cần thực hiện nghiêm Nghị quyết của Bộ Chính trị, dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu thực hiện ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách trung ương để dành cải cách tiền lương; tuân thủ đúng trật tự ưu tiên của Luật Ngân sách nhà nước là “ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét đến các dự án đầu tư”. Cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư; đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai; chỉ khi có mức đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh ngay những cán bộ đùn đẩy, sợ sai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.