Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Nhóm phóng viên| 31/10/2017 06:45

(HNM) - Các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến phản ánh thực trạng: Càng tinh giản biên chế, bộ máy càng


Xác định vị trí việc làm để sắp xếp cán bộ, công chức chính xác, hiệu quả là nhiệm vụ cần thiết của mỗi cơ quan, đơn vị. Ảnh: Viết Thành


Tinh giản biên chế chưa hiệu quả

Tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả là mục tiêu mà Chính phủ nhiều nhiệm kỳ đã đặt ra. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, ngày 28-7-2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Nội dung thảo luận về chuyên đề này được Quốc hội tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi, giám sát.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) đã thẳng thắn nêu rõ những bất cập trong tổ chức bộ máy hành chính. Chỉ rõ hiệu quả tinh giản biên chế chưa như mong muốn, đại biểu Phùng Đức Tiến nêu dẫn chứng: Việc tinh giản biên chế giai đoạn 2007-2011 đạt 2,8%, trung bình 0,56%/năm, trong đó hơn 90% thuộc đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi. Đáng chú ý, giai đoạn 2011-2016, tổng số biên chế tăng, tính đến cuối 2016 đã tăng gần 4,8% so với năm 2011. Bình quân giai đoạn này, mỗi năm tăng gần 1%. Các bộ, cơ quan, tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc quy định pháp luật về tinh giản biên chế, vẫn còn tình trạng "phình to" các đầu mối, gia tăng lượng biên chế; trong khi việc thực hiện cơ cấu lại bộ máy, sắp xếp lại cán bộ, công chức còn chậm, thiếu hệ thống; đề án vị trí việc làm chưa đồng bộ và triển khai chưa có hiệu quả.

Cho rằng bộ máy hành chính ngày càng cồng kềnh, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nêu dẫn chứng: Quy định của các bộ là không quá 4 thứ trưởng nhưng cũng có bộ vượt lên đến 9 thứ trưởng. Tất nhiên cũng phải xem lại 4 thứ trưởng có ít hay không, vì khi có việc gì thì tỉnh nào cũng muốn có lãnh đạo thứ trưởng hoặc bộ trưởng về dự. "Bộ làm được thì các cơ quan khác làm được và từ đó mà cấp phó tăng nhanh không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà kể cả cơ quan Đảng, đoàn thể" - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích.

"Bắt bệnh" và "trị bệnh"

Trước tình trạng bộ máy hành chính ngày càng cồng kềnh, kém hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu tinh gọn, chất lượng mà Chính phủ đã đặt ra, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, cần chia ra hai nhóm, gồm: Nguyên nhân - "bắt bệnh" và giải pháp - "trị bệnh". Nguyên nhân gốc rễ là hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và hình thức tổ chức bộ máy thời gian qua chưa thực hiện đúng nguyên lý tổ chức quyền lực và phân công quyền lực. Trong khi chúng ta nhấn mạnh đến phối hợp thì việc phối hợp lại "đẻ" ra một loạt cơ chế trung gian, và đùn đẩy trách nhiệm khi có vụ việc. Một nguyên nhân khác cũng được đại biểu Lê Thanh Vân chỉ ra là chúng ta chưa xây dựng thể chế nhân sự hoàn chỉnh, đủ điều kiện, đủ căn cứ cho việc đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ.

Đại biểu Đặng Minh Châu - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội) cho rằng, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính ở chính quyền địa phương tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Nêu ví dụ về việc thực hiện tinh giản bộ máy tại Hà Nội, đại biểu cho biết, với sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực này. Song với đặc thù là Thủ đô nên Hà Nội có nhiều đòi hỏi cao hơn các tỉnh, thành phố khác. Bài học từ thực tế cho thấy, bên cạnh sự cố gắng của thành phố trong việc bám sát Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, các văn bản pháp quy của chính quyền, còn rất cần sự tháo gỡ về cơ chế, vướng mắc, vì vậy đề nghị Trung ương xem xét, giải quyết vấn đề này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 47 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và tranh luận. Trên cơ sở thảo luận của các vị đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 là cần thiết. Kết quả giám sát chuyên đề này cùng với nghị quyết giám sát được Quốc hội thông qua sẽ tạo tiền đề góp phần quan trọng vào việc triển khai kịp thời hai nghị quyết quan trọng của Hội nghị Trung ương sáu về tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.