Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân

Thành Tâm| 26/03/2019 06:08

(HNM) - Tại phiên họp giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng, tổ chức sáng 25-3, để làm rõ hơn những vấn đề các đại biểu HĐND thành phố quan tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trao đổi thêm một số nội dung.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp giải trình.Ảnh: Viết Thành


Có sự buông lỏng quản lý, thậm chí bao che, dung túng

Về thực trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố nêu lên các nhóm vi phạm chủ yếu là: Ở các công trình, các dự án đô thị; vi phạm của các cá nhân, hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp; vi phạm phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo trong quá trình mở các tuyến đường và vi phạm trong quản lý đất rừng. Các vi phạm này đã diễn ra trong thời gian dài, ở nhiều mức độ, trong đó có nhiều công trình gây bức xúc cho cử tri, khiến Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo xử lý...

Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, Thành ủy Hà Nội đã có Chỉ thị 08-CT/TU ngày 26-5-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô”. UBND thành phố cũng đã ban hành các quy định, có biện pháp và lộ trình giải quyết cụ thể, song sai phạm vẫn còn. Thành phố đã họp bàn và xác định rõ nguyên nhân chính là việc phát hiện sai phạm ở cơ sở không kịp thời, có biểu hiện bao che, làm ngơ, dẫn đến có công trình đã vi phạm nghiêm trọng mới phát hiện.

Để giải quyết thực trạng trên, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng chấp thuận sắp xếp, giao mô hình Đội Thanh tra trật tự xây dựng cho các quận, huyện, thị xã quản lý để nắm địa bàn tốt hơn. Thành phố cũng đã tổ chức các đoàn thanh tra công vụ để đánh giá trách nhiệm của cán bộ trong việc để xảy ra vi phạm, đồng thời chủ động tiếp nhận thông tin từ cử tri, cơ quan báo chí. Các kết luận thanh tra được thành phố tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc, trong đó có chuyển 10 vụ việc cho cơ quan công an điều tra, xử lý có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự.

Thời gian qua, thành phố đã rà soát các công trình sai phạm đến tháng 6-2016, tổ chức xử lý được gần 500 công trình và đang tiếp tục rà soát, thống kê tất cả vi phạm còn tồn tại, yêu cầu các phường, xã, thị trấn phải khắc phục. Song, trước tình trạng vẫn còn công trình vi phạm nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, phòng ngừa kịp thời, Chủ tịch UBND thành phố đã nghiêm túc nhận trách nhiệm thuộc về chính quyền các cấp, trong đó có Chủ tịch UBND thành phố.

Cần xử lý cả chủ thầu xây dựng

Để khắc phục các vi phạm như trên, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các kết luận mà thanh tra các cấp đã chỉ ra, trong đó có hơn 2.200 nội dung cần rà soát, xử lý. Thành phố cũng sẽ đôn đốc giải quyết dứt điểm các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố đã chỉ ra. Mới đây nhất là kết luận về vi phạm quản lý đất rừng ở huyện Sóc Sơn, UBND thành phố sẽ sớm chỉ đạo huyện Sóc Sơn, các xã, các sở, ngành liên quan để xử lý dứt điểm.

Với các công trình do chủ đầu tư dự án vi phạm, quan điểm cũng như cách làm của thành phố là nếu chưa khắc phục sẽ không cấp phép, xem xét chủ trương đầu tư dự án mới. Với các công trình vi phạm tồn tại lâu, nhức nhối như vi phạm ở mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình), mương Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), thành phố sẽ cương quyết yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ ngay sau khi kết thúc hợp đồng, phù hợp với tiến độ triển khai công trình xây dựng tuyến đường này.

Về các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, dù thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn diễn biến phức tạp là do buông lỏng quản lý ở cơ sở, thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời. 3 năm qua, thành phố đã xử lý kỷ luật 98 cán bộ, thậm chí có trường hợp bị cách chức, có trường hợp chuyển cơ quan công an khởi tố, điều tra. Thành phố sẽ tiếp tục yêu cầu cơ quan công an xử lý nghiêm đối với những trường hợp tương tự.

Về số công trình nhà siêu mỏng, siêu méo còn tồn tại, Chủ tịch UBND thành phố nêu bất cập là do còn quy định cho phép thỏa thuận hợp khối, dẫn đến khó xử lý. Để khắc phục, với các tuyến đường mới, thành phố chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng các diện tích nhỏ dưới 30m2 để xây dựng các công trình công cộng, đặt bồn hoa trang trí. Với các vi phạm mới, Chủ tịch UBND thành phố tiếp thu ý kiến các đại biểu và khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong giải quyết các vi phạm trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề xuất với HĐND thành phố tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là với các phần việc của UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị cần luật hóa chế tài xử lý cả với chủ thầu xây dựng, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực xây dựng sai phép.

Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cấp ủy và đề nghị Thành ủy tiếp tục chỉ đạo cấp ủy các cấp và cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng...

Mong muốn cử tri, nhân dân tiếp tục giám sát công tác này, hỗ trợ thành phố giải quyết kịp thời, nghiêm minh, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, từ ngày 1-7, thành phố sẽ đưa vào hoạt động cổng thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.