Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát việc thực thi công vụ để ngăn ngừa tham nhũng

Hương Ly-Tuấn Việt - Ảnh: Hữu Tiệp| 26/07/2019 15:19

(HNMO) - Ngày 26-7, Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020” tại quận Tây Hồ.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi kiểm tra.

Báo cáo do Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn trình bày cho thấy, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ quận đến cơ sở đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực: Tài chính; quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư, xây dựng cơ bản; thẩm định, phê duyệt dự án.

Quận cũng tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nhất là các đơn tố cáo về tham nhũng, lãng phí, nhờ đó hạn chế được các vụ việc phức tạp, góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Quận ủy, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường nghiêm túc triển khai các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Từ năm 2016 đến ngày 30-6-2019, Quận ủy, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy đã thực hiện kiểm tra, giám sát 155 lượt tổ chức Đảng, 25 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát và giải quyết đơn, thư, chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng.

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá, quận Tây Hồ đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề quận cần lưu ý để tránh phát sinh tình trạng tham nhũng, nhất là trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn yêu cầu Quận ủy Tây Hồ có những giải pháp lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm để tăng các giải pháp phòng ngừa cụ thể, kiểm soát được các hành vi của tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ.

Đồng chí Đào Đức Toàn cũng yêu cầu quận tăng công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, phát huy quyền làm chủ của người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng trợ giúp pháp lý để người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật. Bên cạnh đó, quận cần nỗ lực nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ngay từ khu dân cư. Trong đối thoại, giải quyết các vấn đề dân sinh phải nêu rõ thời gian xử lý các kiến nghị sau khi tiếp nhận.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng yêu cầu quận tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tích cực phát huy vai trò giám sát của xã hội. Khi có vấn đề phát sinh từ cơ sở, quận cần chủ động vào cuộc, tuyên truyền, giải quyết kịp thời, tránh phát sinh thành vụ việc phức tạp.

*Cùng ngày, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong dẫn đầu đã làm việc với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU.

Quang cảnh buổi làm việc.

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Nguyễn Hữu Chính cho biết, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, Tòa án nhân dân thành phố đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác nội vụ, xét xử. Từ năm 2018 đến nay, Tòa án nhân dân thành phố đã thực hiện công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân Tối cao; công khai xét xử; công khai chế độ giải quyết, đơn thư, khiếu kiện trên trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân hai cấp thành phố.

Đặc biệt, theo Chương trình số 07-CTr/TU, Tòa án nhân dân thành phố được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chuyên đề về đẩy nhanh tiến độ xét xử những vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận quan tâm. Từ đó, các vụ án nói chung và tham nhũng nói riêng đã được theo dõi chặt chẽ, bảo đảm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, Tòa án nhân dân thành phố cần rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU, nhằm phát huy những điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong quá trình triển khai và nỗ lực hoàn thành. Cùng với đó, Tòa án nhân dân thành phố đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ tòa án; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành trong khối nội chính, tư pháp…

* Chiều cùng ngày, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy, do hai Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đồng chủ trì, đã làm việc với Đảng ủy Sở Y tế Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU.

Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy làm việc với Đảng ủy Sở Y tế Hà Nội.

Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt nội dung phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến cán bộ, đảng viên; tổ chức 5 cuộc kiểm tra đối với các chi bộ và không phát hiện đảng viên có hành vi tham nhũng.

Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình công việc trong cơ quan. Năm 2018, toàn ngành Y tế Hà Nội đã tiết kiệm 10% ngân sách chi thường xuyên được hơn 14 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, Sở Y tế đã thực hiện tốt công tác Quy chế Dân chủ ở cơ sở, sát với thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU. Vì thế, thời gian tới Sở nên đánh giá chuyên đề này thành bài học kinh nghiệm.

Đồng tình với một số ý kiến trao đổi của thành viên trong Đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở Y tế phân tích rõ hơn về chỉ số hài lòng của người dân; nâng cao mối quan hệ với các quận, huyện, thị ủy để thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hoạt động kiểm tra, giám sát ở cơ sở; chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động thanh quyết toán bảo hiểm y tế, quản lý hành nghề y, dược tư nhân…

Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đồng tình với các đánh giá về một số hạn chế của ngành và đề nghị thời gian tới, Đảng ủy cơ quan Sở Y tế rà soát các chỉ tiêu Chương trình số 07-CTr/TU để chỉ đạo hoàn thành đến năm 2020; chỉ đạo việc rà soát thực hiện chi trả bảo hiểm y tế tại các bệnh viện; quan tâm đến công tác luân chuyển cán bộ ở khu vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề xuất việc "đặt hàng" Sở Y tế trong tham mưu cho thành phố các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ, tình trạng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần của một số tội phạm trong các vụ án tham nhũng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát việc thực thi công vụ để ngăn ngừa tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.