Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tây Nguyên mùa mới

Quốc Bảo| 25/04/2020 06:21

(HNM) - 45 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tây Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ, phát huy vai trò không chỉ là địa bàn chiến lược về quân sự, kinh tế ở Đông Dương, mà còn là một vùng đất quan trọng của trung tâm cây công nghiệp, cây ăn quả lớn của Việt Nam. Trong suốt chặng đường 45 năm qua, những con người mới đã, đang và sẽ phát huy sức lực, trí tuệ để Tây Nguyên có những vụ mùa bội thu...

Từ những mùa vụ đầu tiên...

Tây Nguyên có vị trí chiến lược về quân sự nên được chọn là điểm mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 giải phóng tỉnh Đắk Lắk, mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử, thúc đẩy nhanh tiến trình giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau giải phóng, Đảng, Nhà nước đã điều động hàng nghìn cán bộ ở miền Bắc, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ để tăng cường cho hệ thống chính trị và bộ máy quản lý kinh tế ở các lâm trường, doanh nghiệp nhà nước nhằm góp phần xây dựng một Tây Nguyên mới giàu đẹp. Trong những lứa cán bộ lên Tây Nguyên đầu tiên, có chàng kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Lạng, mới 22 tuổi quê Ninh Bình. Tháng 11-1975, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh được tăng cường đến tỉnh Đắk Lắk và được điều động làm việc tại lâm trường đầu tiên ở Tây Nguyên là Lâm trường Gia Nghĩa (thuộc tỉnh Đắk Nông ngày nay).

Những năm đầu sau giải phóng, cả nước gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Tây Nguyên còn khó khăn hơn bội phần vì an ninh chính trị rất phức tạp, tàn quân Fulro liên tục phá hoại, gây tổn thất về người lẫn tài sản của nhân dân; cùng với đó là dịch bệnh hoành hành, giao thông cách trở,… Nhà nước có chủ trương xây dựng hệ thống các nông lâm trường quốc doanh ở Tây Nguyên, ban đầu chủ yếu là khai thác lâm sản và trồng rừng; sau đó mới hình thành các nông trường sản xuất. “Lúc cao điểm, tỉnh Đắk Lắk đã huy động hàng vạn nhân công lao động nghĩa vụ, công ích; các phương tiện cơ giới được huy động tối đa. Lúc đó Đắk Lắk như một đại công trường, đại nông trường, tạo thành những vùng chuyên canh cà phê, cao su, và những đồng lúa bạt ngàn”, ông Nguyễn Văn Lạng nhớ lại.

Phải đến thập kỷ 9 của thế kỷ XX, khi chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập của nước ta bắt đầu có hiệu quả; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng Tây Nguyên đã ổn định, thì nền kinh tế các tỉnh Tây Nguyên mới thật sự khởi sắc. “Với đặc thù đồi núi, địa hình phức tạp, suất đầu tư lớn; cùng với việc ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên các tuyến đường ở Tây Nguyên hầu như chưa được đầu tư. Kinh tế của Tây Nguyên chủ yếu là nông, lâm nghiệp, nhưng sản phẩm làm ra không vận chuyển, tiêu thụ được. Việc Nhà nước đầu tư nâng cấp quốc lộ 14 nối các tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk xuống các tỉnh Đông Nam Bộ đã khơi thông được huyết mạch kinh tế của Tây Nguyên, mở ra một giai đoạn phát triển vượt bậc của vùng đất này”. Ông Nguyễn Văn Lạng, người sau này trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (nhiệm kỳ 2000-2005) và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (nhiệm kỳ 2005-2013), hồi tưởng.

Thời kỳ tăng trưởng nhanh nhất của các tỉnh Tây Nguyên là vào những năm cuối của thế kỷ XX. Đó là thời kỳ “hoàng kim” của cà phê. Bán mười mấy cân cà phê là mua được một chỉ vàng, nên cà phê còn được mệnh danh là "vàng đỏ". Nhờ cây cà phê, kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên có bước chuyển biến rất rõ rệt, đời sống của người dân nâng cao đáng kể. Song, cũng vì thế đã dẫn đến tình trạng “nhà nhà làm cà phê, người người làm cà phê”. Làn sóng di dân tự do ồ ạt đến Tây Nguyên (sau giải phóng, Tây Nguyên chỉ có hơn 1,2 triệu dân, nhưng đến năm 2006 dân số ở Tây Nguyên đã là khoảng 4,8 triệu người; đến nay là khoảng 6 triệu người, chủ yếu là tăng cơ học). Tình trạng phá rừng không thể kiểm soát; nhiều diện tích cà phê được trồng không đúng quy hoạch, ở những vùng đất không phù hợp nên năng suất, chất lượng không bảo đảm. Hệ lụy là những năm đầu thế kỷ XXI, khi giá cà phê rơi xuống mức 4.000-5.000 đồng/kg. Đời sống của người dân lâm vào khó khăn. Sau này, vòng luẩn quẩn “trồng - chặt” tiếp tục rơi vào cây cao su và hiện nay là cây hồ tiêu cùng một số loại cây ăn quả. Đây đang là thách thức đối với quản lý và phát triển ngành Nông nghiệp ở Tây Nguyên trong tình hình mới.

Xây dựng những mô hình bền vững

Tài nguyên lớn nhất của Tây Nguyên là đất đai, nhưng đang phải đối mặt với nhiều mối nguy bởi sự thoái hóa, nguồn nước suy giảm; tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, mùa khô kéo dài và khốc liệt, mùa mưa hay xảy ra lũ lụt; sâu hại, dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn.

Để giải quyết những vấn đề nan giải đó, anh Võ Thiện Nghĩa, một nông dân trẻ ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi mô hình chuyên canh cà phê của gia đình thành mô hình xen canh cùng các cây ăn quả như sầu riêng, bơ. Đồng thời áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, giảm được chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả canh tác. Cách làm này vừa giúp gia đình anh tăng thu nhập, vừa có cây che bóng, giảm thiểu sự thoát hơi nước trong đất trồng cà phê. 

Cũng như anh Nghĩa, anh Nguyễn Văn Tuyên, ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, đã thay đổi nhận thức về canh tác cà phê. “Trước đây, người trồng cà phê bón rất nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để đạt mục tiêu năng suất càng cao càng tốt, nhưng đất mau thoái hóa. Nếu tôi vẫn làm như vậy, tôi sẽ tự hại mình”, anh Tuyên nói.

Những mô hình sản xuất cà phê bền vững như của anh Nghĩa, anh Tuyên đang là xu hướng của những người nông dân hiện đại ở Tây Nguyên. Bên cạnh việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tăng thu nhập của người trồng cà phê, chương trình sản xuất cà phê bền vững còn kết nối những nông dân sản xuất đơn lẻ thành những tổ sản xuất và hình thành các hợp tác xã sản xuất đồng nhất, tạo chuỗi minh bạch theo hệ thống truy xuất từ nông trại đến người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của các nhà thu mua trên thế giới. 

Tại Đắk Lắk và Lâm Đồng, hai địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước, hiện đã có 120ha cà phê được cấp chứng chỉ bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế, chiếm 35% tổng diện tích. Không những thế, mấy năm trở lại đây, nhiều nông hộ bắt đầu một nấc thang mới trong chuỗi giá trị cà phê, đó là sản xuất cà phê đặc sản. Hiện nay cà phê đặc sản chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng cà phê trên thế giới. Theo anh Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk: “Sản xuất cà phê đặc sản yêu cầu rất cao về quy trình từ chăm sóc, tưới nước, bón phân, thu hái, phơi sấy, rang xay… Việc phát triển cà phê đặc sản sẽ khai thác phân khúc thị trường cao cấp, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế”…

Ở Tây Nguyên hiện nay, những doanh nhân trẻ dấn thân vào nông nghiệp như anh Lê Đức Huy không hiếm. Những giá trị mà họ mang lại đã bước đầu lan tỏa rộng rãi, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội, định hình một nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững. Đó là nền tảng vững chắc để thời gian tới, Tây Nguyên có những mùa vàng bội thu. Đặc biệt với những thành quả đó, Tây Nguyên không ngừng phát huy vai trò là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường sau 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên mùa mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.