Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ, bảo đảm chính sách cho thanh niên trong giai đoạn mới

Tiến Thành| 25/05/2020 17:46

(HNMO) - Chiều 25-5, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp.

Sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập. Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung...

Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển...

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội đã tập trung vào các vấn đề trách nhiệm, nghĩa vụ, chính sách và công tác quản lý thanh niên được nêu trong dự thảo Luật.

Đối với chính sách cho thanh niên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, cần bổ sung chính sách cho thanh niên vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng để tránh sự kỳ thị, nâng cao công tác giáo dục, cảm hóa thanh niên lầm lỡ.

Bên cạnh đó, thanh niên nông thôn hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm, tiếp cận với mô hình đào tạo còn hạn chế nên đại biểu cho rằng cần bổ sung, quy định chi tiết chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo tay nghề cho các đối tượng này.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định) cho rằng, việc phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong một số tình huống cấp bách còn mờ nhạt, mang tính tự phát do đó cần quy định bài bản về trách nhiệm của thanh niên trong dự thảo Luật.

Về “Tháng Thanh niên” được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể hoạt động của thanh niên để làm căn cứ tổ chức thực hiện; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tổ chức hoạt động… Đại biểu cũng nêu vấn đề trong các văn bản hướng dẫn Luật vẫn chưa quy định được chi tiết chính sách phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng thanh niên có tài năng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ, đối thoại với thanh niên là nội dung nổi bật được nêu trong dự thảo Luật, tạo điều kiện để thanh niên chia sẻ khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp vấn đề liên quan đến thanh niên.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung đối thoại như chính sách định hướng phát triển thanh niên, những vấn đề xã hội có tác động đến thanh niên… sẽ mang lại hiệu quả thực chất của công tác đối thoại.

Về độ tuổi thanh niên, đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Long An) nêu ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét độ tuổi thanh niên từ 16 đến 35 tuổi thay vì đến 30 tuổi như trong dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, 30-35 tuổi là độ tuổi chín trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng đất nước, là lực lượng nòng cốt giúp thanh niên khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Đoàn Cần Thơ) nêu quan điểm, việc thành lập Bộ Thanh niên là rất cần thiết và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong thời gian sớm nhất để bảo đảm tính kế thừa và đạt hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thanh niên. Một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị không quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật vì đây là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Luật Thanh niên được sửa đổi vì yêu cầu của đất nước bước vào giai đoạn mới, thanh niên phải được nhìn nhận và tạo điều kiện xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lập thân, lập nghiệp. Trong đó nêu bật quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách cho thanh niên trong giai đoạn mới.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 15 đại biểu phát biểu và 5 ý kiến tranh luận về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi); đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ, bảo đảm chính sách cho thanh niên trong giai đoạn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.