Chủ Nhật, 12/01/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
(HNM) - Hiện nay, chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ là chuyện của những doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ cũng cần chuyển đổi số để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ thực tế đó, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, còn bản thân các doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm kiếm mô hình phù hợp để ứng dụng.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ còn “mù mờ”
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) Trần Việt Anh cho biết, HUBA thấu hiểu sự cần thiết phải ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp nên đã tổ chức nhiều chương trình liên quan đến chuyển đổi số để doanh nghiệp nắm bắt và có cái nhìn thực tế hơn về vấn đề này. “Đối với doanh nghiệp vừa và lớn, công tác chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn, dễ nắm bắt xu hướng, công nghệ hơn. Đối với khối doanh nghiệp này, chuyển đổi số không còn là lộ trình, mà trở thành mục tiêu ngay từ đầu”, ông Trần Việt Anh cho hay.
Là một doanh nghiệp nhà nước ứng dụng chuyển đổi số từ rất sớm, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đặt mục tiêu đến hết năm 2022, cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số. Hiện, EVNHCMC đã số hóa hoàn toàn công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành toàn bộ lưới điện trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, đối với khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm hơn. Một số doanh nghiệp còn chưa hình dung được chuyển đổi số như thế nào, đem lại lợi ích gì. Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Work IT Quách Ngọc Long chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp nghe về chuyển đổi số, kinh tế số hay các công nghệ mới như: AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (chuỗi khối), Big data (dữ liệu lớn)..., nhưng không ít trong số này chưa hiểu rõ, hay không xem đấy là vấn đề của họ. Vì vậy, trước mắt cần tăng cường công tác truyền thông để khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiểu rõ chuyển đổi số là việc cần phải làm để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.
Còn Giám đốc khối dịch vụ Công ty Deloitte Việt Nam Phạm Đình Huỳnh cho rằng, các doanh nghiệp cần xem chuyển đổi số không phải khoản chi phí, mà là một kế hoạch đầu tư. “Đầu tư về chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế trong khả năng chống chịu các tác động từ bên ngoài, chẳng hạn như dịch Covid-19 hiện nay”, ông Phạm Đình Huỳnh cho hay.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, kinh tế số chiếm 14,4% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố. Năm 2022, thành phố đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 15% GRDP, trong đó vai trò đóng góp của doanh nghiệp chuyển đổi số mang tính quyết định.
Chuyển đổi đồng bộ, liên thông
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HUBA Nguyễn Phước Hưng cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn tìm kiếm các đối tác cung cấp giải pháp có uy tín, linh hoạt và sẵn sàng hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi số. Đây cũng được xem là giải pháp mà doanh nghiệp lựa chọn khi nguồn lực hạn chế, hay nền tảng về công nghệ còn sơ khai.
Cũng theo HUBA, chuyển đổi số cần tập trung vào những vấn đề tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, như: Thủ tục hành chính, thuế, hải quan... Các hoạt động này phải được ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả vận hành của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp phải thay đổi để “bắt nhịp” với hệ thống số hóa đó. Điều này cần sự vào cuộc chuyển đổi số đồng bộ, liên thông của tất cả các ngành, lĩnh vực cả trong và ngoài khu vực nhà nước.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Võ Thị Trung Trinh thông tin, kinh tế số phát triển dựa trên nền tảng dữ liệu. Hiện thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới (WB) để triển khai chương trình tổng thể về chiến lược dữ liệu và quy hoạch phát triển dữ liệu của thành phố từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là định hướng quan trọng để giải quyết bài toán về các vấn đề vĩ mô và vi mô trong việc hoạch định các nguồn lực dữ liệu của thành phố để thúc đẩy kinh tế số phát triển, trong đó trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Qua đó, tìm kiếm mô hình chuyển đổi số phù hợp nhất cho doanh nghiệp; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách và thành lập các tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. “Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập ngay lập tức có thể ứng dụng chuyển đổi số mà không cần chờ hoạt động ổn định. Thành phố sẽ hiện thực hóa điều này bằng một kế hoạch huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư chuyển đổi số cho doanh nghiệp”, ông Võ Văn Hoan thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.