Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2022, lợi nhuận hợp nhất của Vinatex đạt hơn 1.000 tỷ đồng

Thanh Hải| 22/12/2022 20:59

(HNMO) - Ngày 22-12, thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2022 và định hướng cho năm 2023 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex cho biết: Những tháng đầu quý IV-2022, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, đơn hàng thị trường may giảm mạnh, khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại. Tuy nhiên, tổng kết năm 2022, Vinatex ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.

Theo ông Lê Tiến Trường, có được kết quả này là nhờ sự linh hoạt, nhạy bén trong dự báo và điều hành của tập đoàn, cùng với đó là sự đóng góp, nỗ lực của các doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động ngành dệt may. Cụ thể, Vinatex đã tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động; nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường; luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

Dự báo năm 2023, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn khi tăng trưởng toàn cầu giảm, lạm phát vẫn ở mức cao. Ông Lê Tiến Trường cho biết, các doanh nghiệp dệt may sẽ chủ động, sẵn sàng các giải pháp ứng phó với điều kiện kinh doanh không tích cực. Điều quan trọng là giữ chân người lao động.
Hiện nay, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng thì các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex chưa phải thực hiện việc giảm lao động trực tiếp bằng việc hoãn hay cắt giảm hợp đồng lao động. Vinatex vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40-48 giờ/tuần. Tính trung bình trên toàn hệ thống của Vinatex, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt gần 9,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021.

Thông tin thêm về điều này, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch công đoàn Vinatex cho biết, hiện nay, 100% doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đều bảo đảm tháng lương thứ 13 cho người lao động. Một số đơn vị lớn như: Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, Công ty cổ phần Dệt may Huế, Tổng công ty Phong Phú, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội… đều có thêm ít nhất 0,5 - 2 tháng lương cho người lao động ngoài tháng lương thứ 13. 

“Cùng với chăm lo lương, thưởng cho người lao động, Tập đoàn cũng đã tổ chức các phiên chợ với các gian hàng giá ưu đãi, giá 0 đồng và các gian hàng giảm giá, giúp người lao động có thể tiết kiệm từ 30-40% so với việc mua ngoài thị trường”, bà Tâm nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, lợi nhuận hợp nhất của Vinatex đạt hơn 1.000 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.