Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao vai trò của nghị viện trong phát triển bền vững, hòa bình

Hiền Thu| 09/09/2020 15:21

(HNMO) - Sáng 9-9, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41), diễn ra phiên họp trực tuyến của Ủy ban Chính trị với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN” và phiên họp trực tuyến Ủy ban Kinh tế với chủ đề “Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch Covid-19”.

AIPA nỗ lực thúc đẩy ngoại giao nghị viện

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trong hơn 43 năm qua, AIPA ngày càng đổi mới, có vai trò quan trọng, luôn ủng hộ và đồng hành cùng ASEAN trong tiến trình hội nhập, xây dựng, phát triển Cộng đồng ASEAN, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là năm 2020 với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, AIPA và ASEAN đang thể hiện sự hợp tác chặt chẽ thúc đẩy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng trong Cộng đồng ASEAN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ hoan nghênh nội dung nghị sự của Ủy ban Chính trị mang tính bao trùm, toàn diện, góp phần vào tầm nhìn của AIPA hướng tới nền hòa bình bền vững trong khu vực và trên thế giới, vì sự thịnh vượng cho mọi người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chủ trì hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại phiên họp, đại biểu đã nghe các báo cáo của hội nghị Nhóm tư vấn AIPA (AIPA Caucus) lần thứ 9, 10, 11 và báo cáo về cuộc gặp lãnh đạo ASEAN-AIPA lần thứ 30, 34, 36 trong 3 năm qua. Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận về chủ đề ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh, các nghị viện thành viên AIPA sẽ cùng cố gắng nỗ lực để thúc đẩy ngoại giao nghị viện và thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia; giữa cơ quan lập pháp và hành pháp trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và trật tự cấu trúc khu vực bảo đảm minh bạch dựa trên luật lệ lấy ASEAN làm trung tâm.

Đối với vấn đề Biển Đông, các nghị viện thành viên đồng tình với việc tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Đại diện các nghị viện cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ, tăng cường năng lực của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là ứng phó với dịch Covid-19.

Cùng với đó, đại diện các nghị viện đồng thuận với việc tăng cường các nỗ lực để thực hiện ngoại giao nghị viện, trong đó có việc trao đổi về những cách làm hiệu quả của các tổ chức trong khu vực và quốc tế, góp phần vào sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng chung.

Báo cáo kết quả phiên họp của Ủy ban Chính trị sẽ được trình tại phiên toàn thể thứ hai của AIPA.

Không quốc gia nào một mình vượt qua đại dịch

Phát biểu chào mừng tại phiên họp trực tuyến Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hoan nghênh trong bối cảnh hiện nay, các nước thành viên AIPA đã chọn chủ đề “Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch Covid-19”. Đây là chủ đề thiết thực, có tính thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia thành viên AIPA.

“Tôi mong rằng các nước thành viên sớm vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống xã hội và không để ai bị ở lại phía sau. Với tinh thần đó, tôi chúc Ủy ban Kinh tế AIPA sẽ đưa ra được khuyến nghị để các nước AIPA chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp và đề xuất giải pháp nhằm gắn kết, phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Các kết quả thảo luận tích cực với nhiều sáng kiến trên tinh thần xây dựng và hợp tác sẽ góp phần đem lại thành công tốt đẹp cho Đại hội đồng AIPA 41”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, đại diện các đoàn cho biết, mỗi quốc gia đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, các đại biểu đều chung quan điểm cho rằng, không nước nào có thể vượt qua đại dịch một mình.

Theo đại diện đoàn Indonesia, nền kinh tế ASEAN muốn duy trì sự tự cường phải tái khởi động nền kinh tế. ASEAN cần có sắp xếp cụ thể để có sự đi lại của các nước trong khu vực, trong khi vẫn duy trì những hướng dẫn về phòng, chống Covid-19.

Trong khi đó, đại diện Malaysia nêu ý kiến, ASEAN cần phải địa phương hóa nền kinh tế, giảm thiểu sự toàn cầu hóa. Trong bối cảnh này, ASEAN có thể thử nghiệm chính sách địa phương hóa sản phẩm và xử lý chuỗi cung ứng sản phẩm trong khu vực.

Đại diện của các nước Brunei, Thái Lan, Singapore, Việt Nam… cho rằng, cần tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để xử lý các thách thức mà các nền tảng thương mại điện tử đang phải đối mặt; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong dịch Covid-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số…

Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết “Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch Covid-19” và thông qua nghị quyết này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, báo cáo kết quả phiên họp của Ủy ban Kinh tế sẽ được trình tại phiên toàn thể thứ hai của AIPA, diễn ra ngày mai, 10-9.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò của nghị viện trong phát triển bền vững, hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.