Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc mất kết nối với người thân dễ dẫn đến chứng trầm cảm ở người trẻ

Nhóm phóng viên| 21/02/2022 15:57

(HNMO) - Liên tục trong mấy ngày qua, tại thành phố Hồ Chí Minh xảy ra những vụ tự tử của một số người trẻ tuổi, với nguyên nhân ban đầu được cho là trầm cảm. Chuyên gia tâm lý học, y học đã lên tiếng cảnh báo người thân không nên chủ quan nếu người nhà mình có biểu hiện của chứng trầm cảm.

Nữ sinh ở một trường học tại quận 4 được cấp cứu kịp thời, chỉ bị chấn thương phần mềm.

Trưa 21-2, ông Đỗ Đình Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) cho biết, tại trường vừa xảy ra vụ nữ sinh đang chơi với bạn bè, bỗng lao ra lan can phòng học trên tầng 3 để nhảy xuống đất.

“May mắn là em học sinh này rơi xuống mái hiên dưới tầng 1 nên chỉ bị thương nhẹ, vẫn tỉnh táo. Qua tìm hiểu thông tin ban đầu từ gia đình và bạn bè, nhà trường xác định nữ sinh có biểu hiện trầm cảm. Em đang sống cùng bà nội, không sống cùng cha mẹ. Nhiều lần, em tâm sự với bạn bè là muốn tự tử”, ông Bảo thông tin.

Trước đó, ngày 16-2, Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra nhận định ban đầu về việc một nam sinh viên người Bình Định, vào thành phố Hồ Chí Minh nhập học hôm 12-2, sau đó mất liên lạc với gia đình. Ngày 15-2, công an đã tìm thấy thi thể nam sinh viên trên sông Sài Gòn, trên người còn nguyên giấy tờ, tiền bạc. Đáng chú ý trong balo đeo phía sau lưng nam sinh viên, có hòn đá to nặng hơn 10kg.

Theo Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an thành phố Hồ Chí Minh, qua khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, công an xác định trên người nạn nhân không có thương tích, tử vong do ngạt nước.

Các camera an ninh đã ghi lại hình ảnh nam sinh viên rời khách sạn thuê trọ, ra bờ sông Sài Gòn và gieo mình tự tử vào sáng sớm ngày 13-2. 

Tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tự tử liên quan đến trầm cảm, như nữ nạn nhân 36 tuổi nhảy lầu tại một chung cư ở quận 7, hay người mẹ trẻ tự kết thúc cuộc sống của mình tại quận Bình Tân do chứng trầm cảm sau sinh…

Nói về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiền (Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, người mắc chứng trầm cảm nói chung thường là do phải tự mình đối mặt với những áp lực, lo âu, thấp thỏm, những nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai. Số ít khác trầm cảm do cả sa sút trí tuệ, rối loạn giấc ngủ…

Chứng trầm cảm thường diễn tiến theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, người bệnh thường chán nản không lý do, không muốn làm gì, thích ở một mình. Giai đoạn 2, người bệnh cảm thấy sợ hãi, muốn buông xuôi, ảo tưởng, khó ngủ, không muốn tâm sự… Giai đoạn 3, người bệnh tuyệt vọng, mất niềm tin, bi quan; một số người hướng đến việc tự gây tổn hại cho chính mình… Chứng trầm cảm cần được phát hiện kịp thời và điều trị bằng phương pháp tâm lý và hóa dược.

Theo Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, việc mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình giai đoạn hậu Covid-19 dễ dẫn tới chứng trầm cảm ở người trẻ.

Việc cần tăng cường kết nối, chia sẻ giữa người với người trong bối cảnh xã hội hiện đại, thông tin trên mạng xã hội nhiều, có thể tác động theo các mức độ khác nhau với từng người.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chúng ta vừa trải qua giai đoạn dài chống dịch Covid-19 với nhiều vấn đề phải đối mặt, từ đó dẫn đến việc những thành viên trong gia đình, trường lớp, xã hội dần mất kết nối với nhau, do ai cũng phải đối mặt với vấn đề lo lắng của riêng mình. Điều này khiến các bạn trẻ, nhất là trẻ vị thành niên và những người sống hướng nội trở nên cô đơn hơn, dễ trầm cảm hơn”.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, việc tăng cường kết nối giữa người thân, bạn bè, thầy, cô giáo một cách trực tiếp chứ không phải thông qua internet sẽ giúp các bạn trẻ dễ bộc lộ bản thân, thấy được chia sẻ. Cùng với đó, người thân cũng sẽ sớm phát hiện những biểu hiện của chứng trầm cảm để có những phương án giải quyết kịp thời, giúp các bạn trẻ sớm vượt qua áp lực bản thân để hòa nhập và vươn lên sau những khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc mất kết nối với người thân dễ dẫn đến chứng trầm cảm ở người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.