Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắng nghe người trong cuộc

Minh Ngọc| 12/12/2018 07:02

(HNM) - Phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề nổi cộm, không dễ giải quyết. Lắng nghe người trong cuộc sẽ thấy rõ hơn, hành vi đáng lên án này không ở đâu xa mà tồn tại trong cuộc sống thường nhật của mỗi người, gia đình và cộng đồng.

Từ những câu chuyện đẫm nước mắt...

Trong “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018”, diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 trên phạm vi toàn quốc, nhiều phụ nữ từng là nạn nhân của hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đã mạnh dạn kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, góp phần đưa “góc khuất” của xã hội ra ánh sáng.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại tọa đàm về phòng, chống quấy rối tình dục.


Em N.T.T, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội kể: Năm học lớp 3, trong một lần sang nhà bác chơi, trước khi về, bác trai yêu cầu T. thơm vào má chào tạm biệt. Ngay lúc ấy, bác trai ôm T. vào lòng kèm theo những hành động và lời nói mà theo lời T. là “quá sức tưởng tượng, khiến em hoảng sợ”. Vùng vẫy thoát khỏi người bác họ có hành vi đồi bại, chạy về nhà T. mong ngóng bố mẹ về sớm để được vỗ về, an ủi. Nhưng vì bận công việc, bố mẹ T. không về khiến em phải âm thầm chịu trong hoảng sợ.

Bị xâm hại tình dục nhiều lần, một phụ nữ khác cho biết, chị luôn nghĩ cơ thể mình “có vấn đề” thì người khác giới mới sàm sỡ, trêu ghẹo. Trong lúc nghĩ quẩn, chị tự đổ nước nóng vào ngực, cào xước chân tay cho xấu đi để không bị làm phiền nữa...

Đồng hành với phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng khẳng định, những dẫn chứng nêu trên mới chỉ là những ví dụ có tính chất đại diện. Trong thực tế còn nhiều sự việc, hoàn cảnh đau lòng hơn. “Cách đây chưa lâu, tôi tiếp xúc với một phụ nữ khuyết tật nặng ở khu vực ngoại thành Hà Nội bị cưỡng hiếp dẫn đến có thai. Do thiếu thốn về mọi mặt, người phụ nữ này phải sinh con trong hoàn cảnh hết sức đáng thương. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã đưa hai mẹ con người phụ nữ khuyết tật vào trung tâm bảo trợ xã hội, song câu chuyện về họ khiến tôi luôn day dứt”, bà Lan Anh nói.

...đến mong muốn có dịch vụ hỗ trợ phù hợp

Theo thông tin do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố ngày 5-12 vừa qua, ước tính, nước ta có khoảng 11% học sinh từng bị xâm hại ít nhất một lần; 31,2% nữ sinh từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục, trong đó đa số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.

Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cho kết quả, khoảng 30% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục; khoảng 30% nữ thanh, thiếu niên bị ép quan hệ tình dục. Đáng tiếc là 65% số người chứng kiến vụ việc không tố cáo và chỉ có 1,9% nạn nhân dám lên tiếng tố cáo hoặc tìm đến các dịch vụ hỗ trợ. “Định kiến về giới còn tồn tại khiến phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực khi đi tìm công lý. Rất nhiều người không tin vào những câu chuyện do nạn nhân chia sẻ, thậm chí có người còn quay lưng chống lại nạn nhân, đẩy họ vào tình thế buộc phải im lặng”, bà Đỗ Thị Thu Hà, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam lý giải.

Giúp nạn nhân được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các ngành, địa phương nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng; xây dựng thêm một số cơ sở, trung tâm tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Tương tự, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã thành lập trung tâm trợ giúp pháp lý với gần 200 chi nhánh tại 63/63 tỉnh, thành phố. Từ năm 2016 đến nay, các trung tâm trợ giúp pháp lý đã hỗ trợ cho gần 1.500 nạn nhân bị bạo lực gia đình và bạo lực tình dục. Theo bà Vũ Thị Hường, cán bộ Cục trợ giúp pháp lý, số nạn nhân được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là hành vi xâm hại, bạo lực, quấy rối tình dục chưa được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành, khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình xử lý. Về phía nạn nhân, rất ít người biết cách tiếp cận với các dịch vụ này.

Đại diện cho nhiều nạn nhân bị bạo lực tình dục trong hành trình đi tìm công lý, luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Faci mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật liên quan đến hành vi bạo lực, xâm hại tình dục. Các quy định mới cần tăng nặng hình phạt, tăng sức răn đe, giảm bớt những quy trình, thủ tục không có lợi cho nạn nhân.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, việc phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái còn nhiều bất cập. Hy vọng, các cơ quan chức năng sớm khắc phục những tồn tại này, tạo ra môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe người trong cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.