Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thử thách Momo”: Phụ huynh nên làm gì để ứng phó?

Nguyễn Thúc| 04/03/2019 11:38

(HNMO) - Tuần qua, hàng loạt lực lượng cảnh sát, trường học, các ngôi sao giải trí… trên toàn cầu đều đồng loạt đăng tải trên mạng xã hội cảnh báo trẻ em xem các nội dung YouTube có tên gọi “Momo” có thể dẫn tới hành vi gây hại cho bản thân, thậm chí tự sát.

Cảm giác có thể ẩn danh điều khiển người khác khiến không ít người thích thú, và càng khiến trò chơi Momo lan rộng.

“Thử thách Momo” ở đâu mà ra?

Theo mô tả, trong các đoạn video "Thử thách Momo", nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người mình chim có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân, thứ được gọi là “thử thách”.

Đáng ngại hơn, những nội dung kích động này lại được ẩn vào các đoạn phim YouTube vô hại, có thể gồm series phim hoạt hình Peppa Pig, cho tới các phim trò chơi Fortnite. Những nội dung này vốn đã qua kiểm duyệt để được xuất hiện trong ứng dụng YouTube Kids dành riêng cho trẻ em. Theo phát ngôn viên của YouTube, những thách thức số đông theo kiểu như vậy hoàn toàn đi ngược lại chính sách người dùng của hãng.

Thực tế, bản thân hình ảnh được cho là đáng sợ của nhân vật Momo bị lạm dụng gần đây (với đầu người và mình chim) lại được tạo ra không phải cho mục đích xấu hay các trò chơi nguy hiểm.

Thực chất, đây là một tác phẩm điêu khắc có tên “Mẹ chim” (Motherbird) do nghệ sĩ Nhật Bản Midori Hayashi tạo ra và được trưng bày tại Art Vanilla Gallery (Tokyo).

Một đoạn tin nhắn của Momo, với đe dọa sẽ theo dõi điện thoại của nạn nhân, dù thử thách ban đầu chỉ là tự chụp ảnh và gửi.


Trò chơi này khởi đầu khi một nhóm bạn bè Facebook đố nhau liên hệ một số điện thoại lạ. Sau đó, tuy có một số khác biệt, “Thử thách Momo” đã trở nên phổ biến trên cả Facebook, YouTube và WhatsApp.

Trong đó, một người vô danh với số điện thoại không xác định (được gọi tên là Momo) hướng dẫn “nạn nhân” thực hiện một số hành động lạ, như thức dậy vào nửa đêm hay cố gắng vượt qua một nỗi sợ hãi nào đó của bản thân. Trẻ em được khuyến khích quay lại bản thân khi thực hiện những điều này, và gửi cho Momo.

Nếu thử thách thành công, mức độ khó sẽ được nâng lên, và Momo sẽ yêu cầu các hoạt động khó hơn, thậm chí đe dọa tính mạng. Thường thì thông điệp của Momo sẽ không chỉ được gửi theo cách thông thường, mà luôn hàm chứa nội dung bao lực hoặc gây sợ hãi. Momo cũng có thể gọi cho “nạn nhân” để gây tác động tâm lý.

Đặc biệt, nếu thử thách bị từ chối, Momo đe dọa sẽ tới gặp và “ám” nạn nhân. Với chiêu trò như vậy, không lạ khi trẻ em vốn nhận thức chưa đầy đủ, sẽ dễ dàng bị rơi vào bẫy tâm lý và làm theo những thách thức dại dột.

Trong lần trở lại mới nhất, những thử thách tai quái của Momo xuất hiện trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp (của Facebook) khu vực Nam Mỹ từ tháng 7-2018, sau đó lan truyền tới Ấn Độ và nhiều nước châu Âu (bao gồm cả Anh), trước khi trở thành vấn nạn lớn như gần đây trên Facebook và YouTube.

Vì sao Momo dễ dàng tác động tới trẻ nhỏ?

Việc “Thử thách Momo” mới đây đã khiến bé gái 12 tuổi tại Buenos Aires (Argentina) tự sát là điều đáng báo động. Thậm chí, đoạn clip quay lại những phút cuối đời cũng được đăng tải.

Theo cảnh sát, cô bé này đã cố gắng làm theo những hướng dẫn của một kẻ đứng sau hình tượng Momo. Việc trò chơi tưởng chừng vô hại lại biến tướng, lan tỏa rộng rãi và có tác động lớn tới trẻ em là điều dễ hiểu.

Thứ nhất, các ứng dụng mạng xã hội giờ đây rất dễ tiếp cận và sử dụng. Bất cứ trẻ nào cũng có thể tải các ứng dụng và tham gia trò chơi mà không lường trước nguy hiểm. Trong khi đó, với nhiều phụ huynh, việc cho con xem các video trên YouTube đã trở thành thói quen mỗi khi bận rộn. Nhiều người đã tá hỏa khi phát hiện những trò chơi, thử thách tiêu cực như Momo đe dọa sức khỏe tinh thần, tính mạng con mình.

Kế đến, do trí óc còn đang trong giai đoạn phát triển, trẻ em rất khó nhận thức những chi tiết thực tế và ý tưởng vô căn cứ, chưa kể tới áp lực từ hình ảnh có phần ma quái và những lời lẽ đe dọa của Momo. Tất cả các yếu tố này sẽ tạo nên một “thế lực” có tác động tâm lý hết sức đáng sợ, dễ dàng lôi kéo hành vi và dẫn tới những thảm kịch.

Ngoài ra, cũng phải kể tới việc các ứng dụng mạng xã hội giờ đây được trang bị nhiều công cụ bảo mật, khiến việc giám sát và theo dõi rất khó khăn. Do đặc thù Momo không phải là một đối tượng cụ thể, mà do nhiều cá nhân đóng vai, nên chính lực lượng cảnh sát cũng gặp khó trong việc truy tìm xem các tin nhắn đến từ tài khoản nào, chưa kể tới việc kiểm soát chúng 24/7.

Tuy nhiên, trước mối đe dọa hiển hiện, cơ quan chức năng các nước đã vào cuộc. Mexico đã ra cảnh báo về việc người dùng không nên giao tiếp với những kẻ đóng vai “Momo” để tránh những hậu quả đáng tiếc, từ mất cắp thông tin cá nhân, hành vi bạo lực, những suy tổn về tinh thần, cho tới tự sát.

Chủ động bảo vệ con em mình trước “Thử thách Momo”

Những rủi ro trên mạng Internet sẽ còn nhiều và diễn biến phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm và hành động thực tế của tất cả các bên liên quan bao gồm cơ quan quản lý, gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và truyền thông để có thể bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Tuy nhiên, trước hết bản thân các bậc phụ huynh cần chủ động tìm hiểu biện pháp tự bảo vệ con em mình.

Mặc dù việc cấm sử dụng thiết bị thông minh hoàn toàn hoặc cách ly trẻ em khỏi các ứng dụng như YouTube, Facebook, WhatsApp… là điều không dễ dàng, phương án này lại không thực tế cho lắm.

Tuy nhiên, vẫn có những cách để các bậc phụ huynh chủ động trong việc phòng ngừa tác hại của “Thử thách Momo” cũng như các trò chơi biến tướng tương tự.

Nhiều thông điệp của “Thử thách Momo” được nhúng trong các đoạn phim tưởng chừng vô hại.


Trước hết, việc giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ nhỏ là điều cần thiết. Thậm chí, các bậc cha mẹ có thể chủ động kiểm tra nội dung tin nhắn hay đoạn clip trong các ứng dụng có liên quan. Nếu thường xuyên cho trẻ em xem các phim YouTube hoặc tương tự, bạn cần bảo đảm chỉ chọn các nội dung do những kênh chính thống đã qua kiểm duyệt.

Bên cạnh đó, việc tích cực giáo dục con em về những mối đe dọa cũng cần được thực hiện một cách thường xuyên. Hãy để trẻ em nhận thức được rằng việc tự sát hay gây hại cho bản thân là nguy hiểm cho bản thân trẻ và khiến những người yêu thương chúng đau lòng. Trong đó, người lớn cũng cần nhấn mạnh rằng việc làm theo các chỉ dẫn của Momo rất nguy hại và có thể gây đau đớn.

Dĩ nhiên, sự hà khắc quá đáng có thể sẽ phản tác dụng trong việc đối phó với “Thử thách Momo” vốn lợi dụng điểm yếu tâm lý.

Theo Ủy viên hội đồng thiếu nhi Vương quốc Anh Anne Longfield, những đứa trẻ cũng có thể coi việc bị mắng hay phạt là “điềm xấu”, nên việc trao đổi mềm mỏng nhưng thẳng thắn với con trẻ về các quan điểm, đồng thời khuyến khích những tư tưởng trong sáng, tích cực là điều cần được chú trọng thường xuyên.

Nói cách khác, bạn hãy kiên nhẫn giải thích lý do tại sao nên tránh xa những trò chơi vô bổ và tập trung học hành, chăm sóc bản thân.

Ở phương diện chủ động hơn, các bậc phụ huynh cũng có thể hạn chế phần nào việc con cái tiếp cận điện thoại thông minh. Thay vào đó, bạn chỉ cần trang bị những loại đủ để nghe gọi phục vụ mục đích giữ liên lạc là đủ.

Tuy nhiên, mỗi người cũng cần ý thức rằng việc bản thân tự hạn chế sử dụng điện thoại thông minh trước mặt con cái cũng sẽ tạo ra tấm gương tốt. Bạn có thể xem xét để điện thoại trong phòng khi xuống ăn tối hay cất bên ngoài phòng ngủ mỗi đêm chẳng hạn.

Nếu con cái tôi đã chơi “Thử thách Momo” thì phải làm sao?

Theo những tư vấn mới đây do Bộ Giáo dục Singapore đưa ra nhằm đối phó với những trò chơi có thể dẫn tới hành vi tự sát, có nhiều giải pháp mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng khi phát hiện con em mình đang tham gia các trò chơi như “Thử thách Momo”.

Trước hết, mỗi người nên chủ động tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo sớm về tâm lý (như trẻ em có hành vi lạ, dễ bị kích động, ngại gặp mọi người, luôn có tâm trạng sợ hãi…); đồng thời chủ động chia sẻ với con cái về cảm xúc, khiến chúng cảm thấy an toàn khi ở bên mình.

Một tình huống điển hình đã xảy ra với Harry Giblin (5 tuổi) ở Withernsea, Yorkshire, Anh. Cậu bé đã hoảng loạn khi hình ảnh Momo đột ngột nhảy lên trong phim Peppa Pig, và vô cùng sợ hãi suốt 24 tiếng và không dám tiết lộ nguyên nhân. Lý do là vì thông điệp Momo đe dọa sẽ giết cả gia đình nếu em kể cho người khác.

Các bậc phụ huynh có thể chủ động cùng tham gia trò chơi để định hướng suy nghĩ trẻ em theo hướng tích cực.


Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia chơi cùng với những đứa trẻ, qua đó chủ động cho chúng biết rằng Momo không phải nhân vật có thực, và việc từ chối các thử thách chẳng đem lại hậu quả xấu nào. Nếu đứa trẻ quá sợ hãi, hãy trấn an chúng rằng sẽ luôn được cha mẹ bao bọc và bảo vệ dù có chuyện gì chăng nữa. Để làm được điều này, việc thẳng thắn hỏi xem con em mình có gặp chuyện gì đáng sợ hay không là điều rất nên làm.

Cuối cùng, bạn cũng đừng quên vũ khí “tối thượng”, đó là chặn những số điện thoại lạ liên hệ với chiếc máy mà con em mình sử dụng. Ngày nay, hầu hết các máy điện thoại thông minh đều có chức năng cho phép chỉ nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn từ người quen (đã lưu trong danh bạ). Nếu cảm thấy quá lo lắng, bạn nên thông báo với chính quyền địa phương, cảnh sát hoặc cơ quan y tế, giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thử thách Momo”: Phụ huynh nên làm gì để ứng phó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.