Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bứt phá thành công, xuất khẩu về đích ngoạn mục

Vĩnh Hà| 09/01/2022 06:18

(HNM) - Trong khó khăn, sóng gió chưa từng có của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, năm 2021, hoạt động xuất khẩu của nước ta dù có những giai đoạn giảm tốc song đã phục hồi mạnh mẽ, bứt phá thành công và cán đích ngoạn mục, lập nên kỷ lục mới. Đây là cơ sở để năm 2022, xuất khẩu nước ta tiếp tục tăng trưởng… Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang xung quanh vấn đề này.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang.

Đảo chiều từ nhập siêu sang xuất siêu

- Năm 2021 là năm đầy khó khăn của kinh tế Việt Nam, song hoạt động xuất, nhập khẩu đã vượt qua các thử thách đó, đảo chiều từ nhập siêu giai đoạn giữa năm sang xuất siêu và cán đích ngoạn mục. Bà có chia sẻ gì về kết quả này?

- Năm 2021, hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với những thuận lợi, khó khăn đan xen. Dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn làm cho có giai đoạn xuất khẩu giảm tốc, cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu. Tuy nhiên, xuất khẩu đã phục hồi mạnh mẽ trong quý IV-2021 với mức tăng trưởng ấn tượng và trở lại vị thế xuất siêu. Kim ngạch xuất khẩu quý IV-2021 ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 16,4% so với quý III-2021. Đặc biệt, trong tháng 12-2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. Cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước tính xuất siêu 4 tỷ USD. Kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp, vượt xa kế hoạch đề ra.

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến nền kinh tế, điều này cho thấy nỗ lực phi thường của các bộ, ngành, địa phương, từng doanh nghiệp và người dân; đồng thời cũng chứng tỏ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã kết nối và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thâm nhập nhiều hơn tới các thị trường khó tính.

- Xin bà cho biết rõ hơn về những nguyên nhân tạo nên kết quả trên?

- Kết quả tăng trưởng xuất khẩu tích cực trên đến từ thuận lợi về thị trường. Khi các quốc gia dần mở cửa trở lại đi cùng với cầu tiêu dùng được hồi phục đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản… Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi bước đầu mang lại những kết quả tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của xuất khẩu. Trong nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực thực thi nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất, thích nghi nhanh với trạng thái “bình thường mới”.

- Bộ Công Thương đã hành động cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn ra sao để có được kết quả quan trọng như trên, thưa bà?

- Ngay từ đầu quý II-2021, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư còn chưa diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án phát triển xuất, nhập khẩu bền vững trong những tháng cuối 
năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Trong đó, Bộ đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm các tháng 7 và 8, Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp thu, xử lý các vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về ùn tắc hàng hóa tại Cảng Cát Lái; khó khăn trong tiêu thụ thóc, gạo, hàng hóa…

Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu như giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường xúc tiến thương mại trực tuyến, đồng thời nâng cao năng lực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số cho cộng đồng doanh nghiệp. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong việc triển khai phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xuất, nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Năm 2022, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng

- Với những kết quả đã đạt được, bà có kỳ vọng gì về xuất khẩu của nước ta trong năm 2022?

- Với kết quả tích cực trong năm 2021, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng xuất khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy sự chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là các thị trường mới có quan hệ đối tác theo hiệp định thương mại tự do.

Tuy vậy, tình hình thị trường thế giới và trong nước cũng còn những diễn biến khó lường. Việc xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh tiếp tục là những rủi ro đối với các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Những diễn biến mới đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cùng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, theo dõi, bám sát tình hình, để có giải pháp linh hoạt nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

- Khi các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm hội nhập quốc tế tốt hơn, theo bà cần làm gì để tận dụng “lực đẩy” từ các hiệp định thương mại tự do?

- Bộ Công Thương đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về các cam kết của hiệp định và thị trường… để tận dụng những ưu đãi. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ những cam kết của hiệp định thương mại tự do; chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh; chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất.

Các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường. Các thông tin cập nhật về chính sách mới của các thị trường cũng được Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật trên website của Bộ.

- Để hoạt động xuất, nhập khẩu đạt kết quả vững chắc hơn nữa, theo bà, chúng ta cần chú trọng thực hiện những giải pháp nào?

- Trong dài hạn, giải pháp căn cơ để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững là cộng đồng doanh nghiệp cần đổi mới quản trị, tái cơ cấu sản xuất, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường với giá cả ngày càng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng cho nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu đầu vào và xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Mặc dù Việt Nam đã chủ động và xử lý có hiệu quả vấn đề tranh chấp thương mại, nhưng các nước cũng sẽ ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước. Do đó, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cảnh báo sớm, chủ động có biện pháp phù hợp bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bứt phá thành công, xuất khẩu về đích ngoạn mục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.