Thứ Bảy, 11/01/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
(HNMCT) - Cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi hơn 20km về phía đông bắc, trên địa phận 2 xã Bình Tân và Bình Thanh (huyện Bình Sơn) từ lâu đã tồn tại ngọn núi Thình Thình và ngôi chùa trăm tuổi cùng tên, nổi tiếng trong vùng bởi sự linh thiêng và độc đáo.
Còn mãi dấu thời gian
“Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình/ Ai đi lên đó cho mình hỏi thăm/ Vì đâu nên tiếng nên tăm/ Để cho mảnh đất ngàn năm thình thình”. Đó là câu ca dao mà người dân xứ Quảng nằm lòng, để nhắc về đỉnh núi và ngôi chùa kỳ lạ.
Để đến được núi Thình Thình có hai đường chính, hoặc đi từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi, xuôi theo bờ bắc sông Trà, đến chợ Sa rẽ trái về hướng Thành cổ Châu Sa, men theo những cánh đồng lúa, núi đồi nhấp nhô thuộc xã Bình Tân (huyện Bình Sơn) và các xã Tịnh Châu, Tịnh Long (thành phố Quảng Ngãi); hoặc theo quốc lộ 1A đi về hướng bắc, đến cuối địa phận xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) rẽ phải khoảng 10km sẽ bắt đầu con đường lên núi để tới chùa Thình Thình.
Tọa lạc trên đỉnh núi cao 168m so với mực nước biển, trong khuôn viên 500m2, chùa Thình Thình (tên chữ là Viên Giác Thanh Sơn) hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Ngôi chùa do thiền sư Diệu Quang (1891 - 1952) - Đệ lục Tổ sư của Tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn khởi dựng năm 1920. Chùa nằm đơn độc trên đỉnh núi Thình Thình, được bao bọc bởi rừng cây xanh tốt.
Một thế kỷ đã trôi qua nhưng chùa Thình Thình vẫn giữ được vẻ cổ kính dù đã được trùng tu nhiều lần. Không gian chùa luôn yên tĩnh. Trước kia không mấy người lui tới bởi đường lên quanh co, khúc khuỷu, nhiều đoạn dốc đổ thẳng xuống, rất khó đi. Chỉ những ngày sóc vọng, người ta mới lên chùa dâng hương, lễ Phật. Đến đời trụ trì thứ năm, sư thầy Thích Đồng Lộc đã kêu gọi các phật tử quyên góp, mở rộng đường để việc đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn.
Không chỉ là một ngôi chùa cổ, chùa Viên Giác còn là một trong những căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đây là nơi thuận lợi để bộ đội trú ẩn nhờ địa hình phức tạp, hiểm trở. Cũng tại đây, ngày 31-10-1967, Đại đức Thích Hạnh Đức, khi ấy mới 19 tuổi, đã tự thiêu trước cổng chùa nhằm chống lại sự đàn áp Phật giáo của chính quyền đương thời.
Khách thập phương đến tham quan, vãng cảnh chùa Thình Thình không chỉ được tận mắt thấy quang cảnh, kiến trúc của một công trình tôn giáo cổ kính vẫn sừng sững trước sự hủy hoại của thời gian và chiến tranh, mà còn được tìm hiểu về lịch sử hào hùng qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam.
Nguồn gốc cái tên Thình Thình
Tương truyền: Xưa có vị thiền sư lập am tu hành trên núi Thình Thình. Sau hơn 10 năm nhập định, vị Thiền sư này chứng quả và phát nguyện, khi viên tịch không cần nhập tháp mà chôn vào lòng núi. Ngài dùng thần thông diệu pháp để phát hiện kẻ dữ, người hiền. Nếu là người hiền lương, khi họ lên núi, bước đến đâu thì lòng núi sẽ phát ra âm thanh êm ả. Nếu là kẻ dữ thì mỗi bước chân sẽ phát ra âm thanh “ình ình” như tiếng gầm gừ của loài ác thú. Về sau, tiếng “ình ình” được người dân chuyển thành “thình thình”.
Theo một số nghiên cứu, vào cuối thế kỷ XIX, sở dĩ trên núi có âm thanh ấy là vì nơi đây được cấu tạo từ đá ong, có nhiều lỗ hổng. Qua nhiều năm, quá trình mưa và rửa trôi khiến đất đằm xuống và xuất hiện hiện tượng này. Ngày nay, hiện tượng này chỉ còn xuất hiện ở một vài nơi trong chùa.
Ngoài câu chuyện trên, người dân nơi đây còn lưu truyền những câu chuyện khác về sự linh thiêng của ngôi chùa. Trong đó, mỗi câu chuyện, tình huống đều hướng con người tới việc thiện, bảo vệ gìn giữ môi trường sống cũng như các loài vật sinh sống tại đây. Ví như, chỉ hái rau quả, chặt củi thì mọi việc diễn ra hết sức bình thường, nhưng nếu phá hoại, săn bắn hoặc làm những việc không tốt thì dù cố gắng đến mấy, việc cũng không thành.
Từ lưng chừng núi Thình Thình nhìn xuống, phong cảnh non nước nơi đây vô cùng thơ mộng, với nhiều điểm dừng chân lý tưởng cho du khách thưởng ngoạn. “Đăng sơn lãm thủy”, từ núi Thình Thình phóng tầm mắt về phía đông, du khách sẽ thấy những đám mây trắng bồng bềnh như bông trôi lững lờ trên nền trời xanh thẳm. Xa xa, mũi Ba Làng An vươn mình ra nằm nghe sóng vỗ, thấp thoáng bóng dáng những đoàn tàu, và “viên ngọc” Lý Sơn bé nhỏ mà kiên cường giữa biển khơi rộng lớn. Đứng trên đỉnh núi Thình Thình, du khách có thể thu gọn vào tầm mắt hình ảnh thành phố Quảng Ngãi đang trên đà phát triển, hiện đại và tràn đầy sức sống...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.