Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ điểm mạnh, yếu của hệ thống giáo dục

Thống Nhất| 05/12/2013 05:44

(HNM) - Dù xếp vào nhóm nước có điều kiện kinh tế gần thấp nhất trong số 65 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia Chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA) năm 2012, song theo kết quả công bố của Hiệp hội các nước phát triển (OECD) - nơi khởi xướng và tổ chức chương trình, Việt Nam luôn đứng trong tốp 10 và tốp 20 ở cả 3 lĩnh vực.


Đó là thông tin được Bộ GD-ĐT công bố tại buổi họp báo diễn ra chiều 4-12, tại Hà Nội.

Khá trên nhiều phương diện

Việt Nam "áp" PISA vào năm 2012, với sự tham gia của 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố. Đối tượng cụ thể là những HS sinh năm 1996, chủ yếu là HS lớp 10 THPT chính quy, ngoài ra còn có HS trường nghề, trung tâm GDTX. Lần đầu tiên tham gia một kỳ thi mang tính quốc tế, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu, cách thức ra đề thi của PISA có nhiều khác biệt… Tuy nhiên, kết quả từ PISA cho thấy Việt Nam đã khẳng định dấu ấn rõ nét ở cả ba lĩnh vực, bao gồm khoa học, toán học và đọc hiểu.

Khoa học là lĩnh vực Việt Nam được xếp hạng cao trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế.



Khoa học là lĩnh vực Việt Nam được xếp hạng cao nhất - 8/65. Nếu như điểm trung bình của OECD là 501 thì Việt Nam đạt 528 điểm. Ở lĩnh vực này, Việt Nam chỉ đứng sau các quốc gia/vùng theo thứ tự: Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Phần Lan, Estonia và Hàn Quốc. Kết quả bài thi của HS nam và nữ Việt Nam tương đương nhau và đều cao hơn so với điểm trung bình chung của OECD (trong đó, HS nam đạt 529 điểm/502 điểm trung bình của OECD, HS nữ đạt 528 điểm/500 điểm). Kết quả này cho thấy giáo dục của Việt Nam không có khoảng cách với thế giới. Đây là điều khiến nhiều người tỏ ý khâm phục.

Ở lĩnh vực toán học, Việt Nam xếp thứ 17/65. Điểm trung bình của OECD là 494 thì Việt Nam đạt 511. Như vậy, năng lực toán học của HS Việt Nam ở tốp cao hơn chuẩn năng lực của OECD. Đáng chú ý, điểm bài thi của HS Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Điển, Na Uy…

Ở lĩnh vực đọc hiểu, trong khi điểm trung bình là 496 thì Việt Nam đạt 508, xếp thứ 19 trong số 65 nước/vùng lãnh thổ tham gia. Kết quả bài thi của HS Việt Nam ở lĩnh vực này cũng cao hơn so với nhiều nước phát triển.

Yếu ở kỹ năng mềm

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về tính khách quan, độ chính xác của kết quả PISA, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của HS mà chỉ ở ba lĩnh vực khoa học, toán và đọc hiểu. Việt Nam tự hào về kết quả HS thu được trong thang đánh giá của PISA, chứ không phải trên khía cạnh toàn diện. Thực tế, HS Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực giao tiếp, năng lực nghề nghiệp, kỹ năng sống… Vì vậy, chúng ta đang từng bước điều chỉnh, chuyển mục tiêu giáo dục từ truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng cho HS, gắn kiến thức trong trường học với việc xử lý các vấn đề trong cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định việc tham gia PISA là một bước tiến tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục của nước ta. Những dữ liệu thu thập được từ PISA là cơ sở để so sánh "mặt bằng" giáo dục nước ta với quốc tế, giúp chúng ta biết được điểm mạnh, điểm yếu, có thể hội nhập được với thế giới hay không và cần bổ sung, điều chỉnh như thế nào… Đó là căn cứ quan trọng cho Bộ GD-ĐT trong việc khởi động lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Kết quả PISA cũng một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Đối với HS, việc tham gia PISA giúp các em có cơ hội cọ xát, làm quen với những tình huống thực tiễn mà HS các nước phát triển đang gặp và phải giải quyết. Qua việc trả lời các câu hỏi có ở bài thi, các em học được cách tư duy, vận dụng kiến thức đã học để xử lý các vấn đề thực tiễn một cách sáng tạo và dần điều chỉnh cách học tập của mình.

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kỹ thuật, phương pháp của PISA vào việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó có đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá trên diện rộng.

- PISA có quy mô toàn cầu, được thực hiện theo chu kỳ 3 năm/lần, tạo điều kiện cho các quốc gia có thể theo dõi sự tiến bộ về giáo dục đối với việc phấn đấu đạt được các mục tiêu giáo dục cơ bản. Đây cũng là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của HS ở độ tuổi 15 - độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.
- Việt Nam sẽ cố gắng tham gia PISA 2015 nhằm tiếp tục khắc phục các mặt hạn chế trong giáo dục.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rõ điểm mạnh, yếu của hệ thống giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.