Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân luồng học sinh: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Khánh Vũ| 19/01/2016 06:48

(HNM) - Mới đây, Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện Đề án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân trình Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng những cải cách đề án đưa ra không giúp giải quyết những bế tắc hiện nay trong phân luồng giữa học nghề và học văn hóa.


Theo hướng nào?

Trước đó, khi đề án đang được lấy ý kiến của dư luận, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đã gửi công văn lên Chính phủ kiến nghị về việc "tái cơ cấu" hệ thống giáo dục quốc dân và xây dựng cơ chế phân luồng học sinh. Theo lập luận của 3 Hiệp hội, việc phân luồng học sinh nên được thực hiện ngay khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) để bảo đảm đúng với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Một giờ thực hành tại Trường Cao đẳng Nghề dầu khí. Ảnh: Mạnh Hà

Những kiến nghị của 3 Hiệp hội nói trên dựa trên một thực tế: Việc phân luồng học sinh phổ thông đang lâm vào cảnh bế tắc khi đại đa số học sinh tốt nghiệp THCS đều tiếp tục học trung học phổ thông (THPT), sau đó thi vào ĐH, CĐ. Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề còn rất thấp. Thực trạng này khiến cho việc đào tạo nhân lực bị "phình" ra tại các trường ĐH, CĐ còn các trường trung cấp chuyên nghiệp thì ngày càng khó tuyển sinh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam Trần Hồng Quân: Cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay không đáp ứng được hàng loạt định hướng quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 29 như xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau THCS, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ… Theo ông Quân, trên thế giới hiện nay phổ biến hai kiểu phân luồng. Một là phân luồng học sinh sau THPT, thường ở những nước phát triển. Xu hướng phân luồng thứ hai, chủ yếu ở các nước đang phát triển là thực hiện phân luồng sau THCS. Là nước đang phát triển, Việt Nam nên phân luồng sau THCS.

Theo đó, việc phân luồng học sinh sẽ được thực hiện sau THCS, còn hai luồng THPT và Trung học nghề cũng được phát triển lên. THPT được phát triển lên theo hướng nghiên cứu và Trung học nghề đi theo hướng ứng dụng thực hành. Hướng Trung học nghề sẽ tham gia đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp (công nhân lành nghề).

Không phải cứ kém là học nghề

So với ý kiến của 3 Hiệp hội đã đóng góp, phương án hoàn thiện của Bộ GD-ĐT trình Chính phủ vừa qua có nhiều điểm khác biệt. Bậc học THPT có 3 luồng, gồm: Định hướng chung (có tính hàn lâm/khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ và định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Giáo dục nghề nghiệp gồm: Đào tạo sơ cấp 1-3 năm; trung cấp (TC) 3 năm (để bảo đảm khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương THPT); CĐ 2-3 năm. Giáo dục bậc cao gồm: ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, ĐH học 3-4 năm phân thành 3 luồng: Định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng; định hướng thực hành. Thạc sĩ 1-2 năm, phân thành 2 luồng: Định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng… Theo Bộ GD-ĐT, những điều chỉnh trong phương án này khẳng định rõ tính phân luồng trong giáo dục THPT thông qua xác định các hướng chuyên sâu cho học sinh. Học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong, đề án của Bộ GD-ĐT không có thay đổi lớn trong định hướng phân luồng ngay từ bậc phổ thông. Không nhất thiết tất cả học sinh phải học hết lớp 12 mới chuyển sang học nghề. Chỉ cần học hết lớp 9, học sinh có thể chuyển tiếp sang học nghề và trong quá trình đó các em vẫn tiếp tục hoàn thiện kiến thức văn hóa phổ thông.

Phương án mà 3 Hiệp hội thống nhất đưa ra là: Trường TC nghề được đổi tên thành trung học nghề, mục tiêu và chương trình đào tạo được điều chỉnh lại, bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn (để có thể học lên khi có cơ hội) vừa có nghề thành thạo. Các trường TC chuyên nghiệp được chuyển đổi theo 2 hướng: CĐ thực hành hoặc thực hành nghề, hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường thực hành nghề. Ngoài ra nhiệm vụ cho các trường ĐH được quy hoạch lại theo 2 hướng: Hướng nghiên cứu và hướng nghề nghiệp - ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường ĐH trọng điểm; các trường địa phương và trường của các bộ, ngành chủ yếu đi theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh trong thị trường lao động khu vực ngày càng tăng như hiện nay, ông Phạm Tất Dong nhấn mạnh: Chúng ta không nhanh thì sẽ thua trong đào tạo nhân lực nghề bậc cao. Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH phải cùng bàn và tìm biện pháp thu hút học sinh quan tâm tới học nghề. Học nghề không phải là tuyển những học sinh kém mà phải tuyển những học sinh có kỹ năng, năng lực về thực hành nghề.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân luồng học sinh: Vẫn còn nhiều băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.