Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mười phòng công vụ, vạn điều ước mơ

Thống Nhất| 01/05/2019 07:06

(HNM) - Những ngày cuối tháng 4, có mặt tại Trường Trung học phổ thông Minh Quang (xã Minh Quang, huyện Ba Vì), chúng tôi cảm nhận rõ sự háo hức trên từng gương mặt học trò và niềm hân hoan của các thầy, cô giáo.

Được ở nhà công vụ, cô giáo Nguyễn Thị Mai Khuyên đã không còn phải di chuyển 40km để đến trường, có thêm thời gian hỗ trợ học sinh.


Vượt khó bám trường

Sau gần 5 năm gắn bó với Trường Trung học phổ thông Minh Quang, ngày 18-4 vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Mai Khuyên đã không còn phải di chuyển chặng đường 40km từ nhà đến trường như trước nữa. Dãy nhà công vụ giáo viên vừa được khánh thành đã tạo điều kiện cho cô giáo Mai Khuyên và gần 20 đồng nghiệp được ở lại trường hằng ngày. Dãy nhà với 10 phòng tuy mới chỉ đáp ứng được một nửa số giáo viên có nhu cầu được ở lại trường hằng ngày, song cũng đã khiến đội ngũ này có thêm nhiều động lực gắn bó hơn nữa với nhà trường để đem tri thức và vạn điều mơ ước về tương lai đến với những học trò nghèo là con em đồng bào dân tộc.

“Càng gắn bó với trường, tôi càng nhận thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, không có điều kiện chăm lo việc học tập của con, còn học sinh thì luôn muốn bỏ học để đi làm thuê, xây dựng gia đình, hoặc bị lôi kéo vào tệ nạn. Nay vào ở nhà công vụ, tôi bớt được thời gian di chuyển trên đường nên có thể quan tâm, chăm chút hơn tới việc học tập và hoàn cảnh của học sinh, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết để các em không bỏ học”, cô Nguyễn Thị Mai Khuyên chia sẻ.

Trường Trung học phổ thông Minh Quang thành lập năm 2014 với nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở các xã miền núi huyện Ba Vì và một số địa bàn lân cận. Xác định được những khó khăn trong việc đi học của học sinh nơi đây, nhà trường luôn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xét duyệt điểm chuẩn “đầu vào” ở mức thấp nhất trong số hơn 100 trường trung học phổ thông công lập của thành phố. Thế nhưng, như chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng nhà trường: Đưa học sinh ra lớp đã khó, giữ chân các em học hết cấp học còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, đó chưa phải là khó khăn duy nhất. Giáo viên của nhà trường hầu hết ở địa bàn xa, nhiều người hằng ngày phải di chuyển từ 40 đến 50km để đến trường. Một số cán bộ, giáo viên của trường đã đi tìm nhà thuê trọ ở gần trường nhưng không có.

Đường xa, học sinh học lực yếu, lại luôn muốn bỏ học bất cứ lúc nào, thế nhưng giáo viên nhà trường vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy trên lớp và dành thời gian đến từng gia đình tìm hiểu hoàn cảnh, động viên học sinh đi học. Đã có giáo viên bị tai nạn trên đường đến trường phải nghỉ dạy nhiều tháng nhưng vẫn không nản lòng, thậm chí còn là động lực để đồng nghiệp tiếp tục nỗ lực, kiên trì với nhiệm vụ. “Việc được đầu tư xây dựng nhà công vụ ngay sát khuôn viên trường đã giúp cho đội ngũ giáo viên yên tâm và kiên trì bám trường, bám lớp để gieo những hạt mầm mơ ước, giúp học trò nơi đây có được tri thức, kỹ năng để làm giàu cho quê hương”, thầy giáo Nguyễn Duy Bỉnh bày tỏ.

Gieo vạn ước mơ cho trò

Nhìn lại chặng đường 5 năm phát triển của Trường Trung học phổ thông Minh Quang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng ghi nhận: Dù xuất phát điểm thấp, “đầu vào” là những học sinh có học lực yếu, song đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn kiên trì vượt khó để thu hút ngày càng nhiều học sinh tới trường, góp phần duy trì kết quả phổ cập giáo dục của thành phố. Không chỉ mở rộng quy mô tuyển sinh, nhà trường cũng đã bước đầu có những tiến bộ về chất lượng giáo dục.

Nếu như ngày đầu thành lập, nhà trường chỉ có 175 học sinh, thì đến nay nhà trường đã có hơn 800 học sinh ở ba khối lớp: 10, 11 và 12. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 96%. Hiệu trưởng Nguyễn Duy Bỉnh cho biết: Hầu hết học sinh của trường là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và là người dân tộc, chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao; số học sinh trong diện hộ nghèo, cận nghèo là hơn 100 trường hợp. Cũng bởi vậy, mặc dù nhận thức rõ những khó khăn của ngôi trường có mức điểm đầu vào chỉ bằng 1/3 so với mức điểm đầu vào của nhiều trường ở các quận trung tâm thành phố, nhưng nhà trường vẫn kiên trì đề xuất giữ mức điểm này nhằm tạo điều kiện cho nhiều học sinh được học ở trường công lập, giảm áp lực về tài chính cho phụ huynh học sinh để họ yên tâm cho con đến trường. Đó được coi là mục tiêu ưu tiên, sau đó tiếp tục tìm cách giữ chân học sinh để các em hoàn thành cấp học.

Trường hợp của em Nguyễn Thị Minh Thắm, lớp 12A2 là minh chứng cho chặng đường gian nan của cả thầy và trò trong việc giúp các em có được tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ làm nghề nông, ít có điều kiện quan tâm đến việc học của con, khi được hỏi thăm, Minh Thắm bật khóc nói: Em nhiều lần có nguy cơ phải bỏ học, gần đây nhất là vào cuối năm lớp 11. Cô giáo đã đến nhà động viên bố mẹ cho em tiếp tục đi học, đồng thời tìm cách hỗ trợ gia đình em. Em được miễn học phí, được hỗ trợ chi phí học tập và hiện đang được tham gia ôn tập miễn phí tại trường để chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới.

Trò chuyện với các thầy, cô giáo của trường mới biết Nguyễn Thị Minh Thắm là một trong số các học trò tiêu biểu vừa tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 12 cấp cụm và thành phố. Trường Trung học phổ thông Minh Quang còn là đơn vị tích cực trên địa bàn về việc động viên, khích lệ học sinh tham gia bảo vệ môi trường, trồng cây gây rừng, điển hình là học sinh Lê Khánh Linh, lớp 12A1. Đó không chỉ là những tấm gương về sự nỗ lực mà còn là động lực, làm lan tỏa ý chí quyết tâm vượt khó đến cả học sinh và giáo viên của trường.

Cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, người từng bị tai nạn gãy chân trên đường đi dạy vào buổi sáng sớm do trời mưa to, đường trơn trượt cho biết: Bản thân tôi đã có lúc nản chí, nhưng những tấm gương nỗ lực học tốt, rèn luyện tốt của học sinh lại như tiếp thêm cho tôi động lực để gắn bó và cống hiến. Dù điều kiện dạy, học còn nhiều khó khăn, song cô và trò nhà trường sẽ tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn, để không còn tình trạng nghèo đói và học sinh bỏ học ở mảnh đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mười phòng công vụ, vạn điều ước mơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.