Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới: Gấp rút chuẩn bị

Thống Nhất| 18/09/2019 07:57

(HNM) - Tròn một năm nữa là triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đối với lớp 1. Trong bối cảnh quy mô học sinh ngày càng tăng, việc chuẩn bị cơ sở vật chất để học sinh có đủ chỗ học 2 buổi/ngày và bảo đảm sĩ số theo quy định của Điều lệ trường học là vấn đề “nóng” với ngành Giáo dục Thủ đô, đòi hỏi phải có lộ trình ngay từ bây giờ.

Mặc dù thành phố đã ưu tiên vốn đầu tư cơ sở vật chất nhưng một số trường vẫn gặp khó khăn do quy mô học sinh tăng mạnh. Ảnh: Thái Hiền

Áp lực về sự gia tăng học sinh 

Theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, từ năm học 2020-2021, Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng với tất cả học sinh lớp 1 trên cả nước. Một trong những yêu cầu quan trọng của việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới là phải bảo đảm mỗi lớp có một phòng học để học sinh học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu 6 buổi/tuần với sĩ số 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cơ sở vật chất của hầu hết địa phương còn thiếu. Cả nước hiện có 80% số học sinh được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 75%. 

Quy định về cơ sở vật chất để triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đang là một thách thức không nhỏ với Hà Nội, bởi quy mô học sinh tăng mạnh. Trong những năm gần đây, Hà Nội luôn đối mặt với việc quá tải học sinh. Trong khi Điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh, thì quận Cầu Giấy có sĩ số bình quân là 56 học sinh/lớp; tỷ lệ này ở quận Thanh Xuân là 57 học sinh/lớp; quận Hoàng Mai 51 học sinh/lớp; quận Hà Đông 50 học sinh/lớp… 

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao, nhiều trường học quá tải do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, chủ yếu tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa… Từ năm 2008 đến năm 2018, dù số trường xây mới của Hà Nội đã vượt 38% kế hoạch, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. 

Nhiều trường học ở khu vực ngoại thành cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên cho biết: Toàn huyện có gần 50.000 học sinh với hơn 100 trường học. Mặc dù được UBND huyện quan tâm đầu tư kinh phí, song do mạng lưới trường lớn, nhiều trường học đã xuống cấp, nên cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn còn thiếu thốn. Ở cấp tiểu học vẫn còn một số trường có tới 5 điểm lẻ, mỗi điểm cách nhau 5-6km.  

Đây cũng là tình trạng chung của các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa… Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, toàn huyện có 113 trường, trong đó cấp tiểu học có 35 trường, thì nhiều trường có điểm lẻ và phòng học cấp 4. Do ngân sách địa phương hạn chế, việc huy động xã hội hóa lại khó khăn, nên đầu tư cho giáo dục còn khiêm tốn. 

Chung sức gỡ khó

Năm học 2019-2020, toàn thành phố thành lập và xây mới được 77 trường học; sửa chữa, nâng cấp 427 trường. Tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày của Hà Nội đã đạt gần 95%, song vẫn chưa đồng đều ở các địa bàn. Ưu tiên đầu tư xây dựng trường, lớp cho cấp tiểu học để đáp ứng tốt các điều kiện thực hiện Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới vào năm học 2020-2021 đang là mục tiêu của nhiều địa phương. 

Hà Nội đang nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất cho cấp tiểu học để bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Ảnh: Minh Đức

Đã từng là “điểm nóng” trong tuyển sinh đầu cấp, ngành Giáo dục quận Hoàng Mai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giảm tải. Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, ngoài việc tích cực tham mưu cho UBND quận điều chỉnh, bổ sung mạng lưới trường học để đáp ứng sự gia tăng về quy mô học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cũng đang rà soát quy mô các trường ở một số địa bàn có tốc độ phát triển dân số nhanh để có lộ trình giảm tải. Từ nay đến năm 2020, quận sẽ mở rộng diện tích của một số trường và xây mới thêm 1 trường tiểu học để tách Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, do quy mô đã quá lớn. 

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt, căn cứ vào tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn, quận đã xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học của từng phường và tập trung vào những phường đông dân cư, có nhiều khu chung cư như: Vĩnh Tuy, Minh Khai… Trong năm học 2019-2020, quận sẽ ưu tiên kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất cho cấp tiểu học, đặc biệt là với lớp 1 - lớp đầu tiên thực hiện Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. 

Huyện Đông Anh cũng đang nỗ lực tập trung nguồn lực đầu tư cho cấp tiểu học, bảo đảm 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh cho biết, phòng đã tham mưu cho UBND huyện rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các trường học, từ đó xác định lộ trình đầu tư, cải tạo. Riêng cấp tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu cho huyện đầu tư xây dựng, thành lập mới 8 trường tiểu học với mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021. 

Để đáp ứng các yêu cầu triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, ngay từ bây giờ, hiệu trưởng các trường cần căn cứ vào quy mô học sinh lớp 1 của năm học 2020-2021, tính toán số phòng học cần bổ sung để phòng giáo dục và đào tạo tham mưu cho chính quyền địa phương có giải pháp đầu tư theo lộ trình. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị khó khăn, nhằm bảo đảm để mọi học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày với điều kiện tốt nhất vào năm học 2020-2021...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới: Gấp rút chuẩn bị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.