Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem xét việc hỗ trợ, trợ giá sách giáo khoa

Tiến Thành| 16/05/2020 15:55

(HNMO) - Chiều 16-5, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ chưa thể xây dựng bộ sách giáo khoa theo yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13. Nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa nên tới thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng. Do đó, sau 2 lần tổ chức đấu thầu vẫn không đạt kết quả theo mục đích đặt ra.

Trong khi đó, với chủ trương xã hội hóa, đến nay đã có 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản uy tín trong ngành Giáo dục và Đào tạo được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ban hành sử dụng phục vụ cho năm học 2020-2021 sau khi đã được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia Thẩm định sách giáo khoa. Hiện nay, các nhà xuất bản đang tiếp tục hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 để thẩm định trong năm nay; tiếp tục biên soạn sách giáo khoa các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo, đáp ứng lộ trình thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và trường hợp đã có ít nhất một bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì Bộ sẽ không tổ chức biên soạn một bộ sách sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với khoản kinh phí 16 triệu USD (vốn vay Ngân hàng Thế giới và 1 triệu USD vốn đối ứng) dự kiến dùng cho việc biên soạn sách giáo khoa, hiện vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới.

Phát biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, nếu xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa không đạt được một bộ sách hoàn chỉnh từ lớp 1 đến lớp 12 thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu giáo dục. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng hoàn chỉnh một bộ sách giáo khoa để dự phòng trường hợp trên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, Nghị quyết số 88/2014/QH13 là chủ trương đúng đắn, theo đó, bộ sách giáo khoa của nhà nước sau khi được biên soạn sẽ là nền tảng để thẩm định các bộ sách xã hội hóa. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên đưa vấn đề này ra Quốc hội xem xét có cần thiết xây dựng bộ sách giáo khoa của nhà nước hay không.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu vấn đề, sách giáo khoa xã hội hóa hiện nay không được tăng giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, có nên xem xét đưa sách giáo khoa trở thành một mặt hàng được hỗ trợ, bình ổn giá, trợ giá hay không, bởi nếu không được tăng giá thì các nhà xuất bản sẽ không làm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa và thực hiện nội dung Nghị quyết số 88/2014/QH13. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục làm tốt việc thẩm định sách giáo khoa; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của phụ huynh học sinh trong xây dựng sách giáo khoa; đề cao vai trò của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kiểm tra, hướng dẫn các trường chọn sách giáo khoa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét việc hỗ trợ, trợ giá sách giáo khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.